Hành khách đi Uber có thể gặp rủi ro mà không được nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ - Ảnh: Ngô Vinh |
Nỗi lo mang tên Uber
Với việc theo dõi được lộ trình di chuyển, cùng các thông tin liên quan đến tài xế, Uber tự “quảng cáo” đảm bảo tốt về an ninh cho khách hàng. Tuy vậy, những vấn đề hành khách thường gặp phải dưới đây lại đem đến một góc nhìn rất khác.
Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Hứa Trần Minh Trí (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, tối 17/4, quá trình sử dụng dịch vụ Uber di chuyển từ Thái Hà về Mỹ Đình, anh bỏ quên một chiếc điện thoại di động Iphone 6 trên xe. Sau đó, anh liên lạc với bộ phận hỗ trợ khách hàng của Uber nhưng không nhận được tín hiệu trả lời. Ngày hôm sau, anh Trí nhờ người quen lấy thông tin và gọi trực tiếp giám đốc Uber Việt Nam.
"Khi bước lên xe hãng nào đó, nghĩa là khách hàng đã có hợp đồng với hãng đó. Nếu có sự cố xảy ra, hãng xe phải giải quyết, bồi thường cho khách. Còn nếu đi xe mà không rõ hãng nào, khách hàng chỉ có thể tìm tài xế giải quyết. Vì vậy, Nhà nước mới phải ràng buộc, chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách”. Luật sư Thái Văn Chung |
Sau đó, anh Trí mới nhận được cuộc gọi từ tài xế chuyến xe đó và thông báo ngắn gọn không tìm thấy chiếc điện thoại nào và cho rằng, có thể vị khách ngồi kế tiếp trên xe đã lấy đi chiếc điện thoại?!
Anh Trí cho biết thêm, càng thất vọng hơn khi phía Uber sau đó “đá” trách nhiệm sang cho phía cảnh sát. “Uber luôn hứa hẹn về việc sẽ đảm bảo an ninh cho khách hàng. Tuy nhiên, đến khi xảy ra sự việc, cách giải quyết của đơn vị này chỉ là vòng vo và trốn tránh. Uber quá thiếu trách nhiệm khi gần như hoàn toàn để khách hàng phải chủ động liên lạc đòi quyền lợi”, anh Trí nói.
Một câu chuyện khác gây bức xúc dư luận liên quan đến ca sỹ Tóc Tiên dịp đầu năm nay. Nhân dịp ra Hà Nội, Tóc Tiên thực hiện hành trình với Uber từ trung tâm Hà Nội đi CHK quốc tế Nội Bài và thật sự bất ngờ về cái mà nữ ca sỹ gọi là “chuyến đi mắc nhất lịch sử di chuyển”. Cụ thể, Tóc Tiên đã phải trả số tiền lên đến gần 800.000 đồng cho 30 km, cao hơn gần 3 lần bình thường. Lý do phải trả cao như vậy là do Uber vận dụng linh hoạt nguyên tắc định giá theo nhu cầu, giá cước có thể tăng vọt trong giờ cao điểm. Đây có thể coi như một cái bẫy đánh lừa khách hàng nếu không tìm hiểu kỹ.
Khách hàng đi xe Uber sẽ bị thiệt thòi khi xảy ra sự cố bởi Uber đẩy tất cả trách nhiệm và toàn bộ rủi ro cho các tổ chức, cá nhân “hợp tác” với Uber - Ảnh: Ngô Vinh - Khánh Linh |
Vẫn chuyện đá quả bóng trách nhiệm
Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề trên, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: “Khi khách lên xe nếu không may bị lái xe hành hung, mất đồ, chạy lòng vòng, tính tiền không đúng quy định… phải có một người chịu trách nhiệm cuối cùng. Trực tiếp là lái xe, nhưng người chịu trách nhiệm về các hậu quả của lái xe phải là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có giải pháp để bảo vệ hành khách”.
Cũng liên quan đến dịch vụ Uber, ông Bình đặt câu hỏi: Trong trường hợp khách hàng sử dụng phần mềm xảy ra sự cố, ai chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng? Tự mình trả lời vấn đề này, ông Bình cho rằng: Ai bán dịch vụ kết nối (tức là phần mềm) và dịch vụ trực tiếp phải chịu trách nhiệm với hành khách.
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 16/5, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam cho biết, Uber rất tiếc về sự việc xảy ra giữa tài xế đối tác và hành khách tại Hà Nội vừa qua. Trường hợp tương tự rất hiếm khi xảy ra và đã được Uber tiếp nhận, chú trọng xử lý.Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Mai, phụ trách truyền thông Uber tại Việt Nam cho biết, Uber làm việc 24/7 nên trả lời phản hồi rất nhanh, nhưng Uber chưa nhận được phản hồi từ khách hàng Hứa Trần Minh Trí. Bà Mai xin PV số điện thoại di động của anh Trí để xác minh sự việc.Cũng trong chiều 16/5, PV Báo Giao thông đã gọi nhiều cuộc điện thoại cho lái xe Uber đã chở anh Trí đi và bị mất điện thoại nhưng không thể liên lạc được. |
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp cho rằng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng không được đảm bảo khi các tổ chức cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng đang hoạt động kinh doanh trái phép. Thực tế, với loại hình taxi ứng dụng phần mềm, dễ bị tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản… của hành khách.
“Đặt tình huống tội phạm sử dụng xe cá nhân với biển số giả rồi đăng ký tải phần mềm kết nối của Uber. Khi khách hàng lên xe, chúng có thể sử dụng vũ lực để khống chế nạn nhân, đưa xe đến địa điểm vắng người để thực hiện hành vi phạm tội…, vấn đề an toàn của khách hàng đó được giải quyết như thế nào? Cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này?”, ông Chung đặt vấn đề.
Luật sư Chung cũng cho rằng, thông qua phần mềm của mình, Uber đã điều hành toàn bộ hoạt động taxi bằng các hình thức được gọi là “Thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ” giữa Uber với các chủ xe, lái xe, các doanh nghiệp, người sử dụng. Tất cả nội dung của điều khoản thỏa thuận mà Uber soạn thảo, ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đều ghi rõ: “Các điều khoản được điều chỉnh và hiểu theo pháp luật Hà Lan… Khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại sẽ được đệ trình và xử lý tại tòa án có thẩm quyền tại Hà Lan”. Như vậy, Uber đẩy tất cả trách nhiệm và toàn bộ rủi ro cho các tổ chức, cá nhân “hợp tác” với Uber.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Uber hay Grab đều sử dụng phần mềm trong tổ chức vận tải. Đã hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách hay vận tải hàng hóa đều là kinh doanh có điều kiện. Điều này được thể hiện rất rõ trong Luật GTĐB và được cụ thể hóa bằng Nghị định 86. Uber hay Grab muốn hoạt động đều phải đủ điều kiện này. Nếu không đủ điều kiện mà vẫn hoạt động sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. Uber, Grab hay một tổ chức nào không thực hiện đúng quy định đều vi phạm pháp luật Việt Nam. Làm sai quy định pháp luật sẽ bị xử lý. Nếu vi phạm mức ở mức độ hành chính thì xử phạt hành chính, còn hành vi liên quan đến vấn đề kinh doanh, trốn lậu thuế thì xử lý theo hình sự. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận