Ông chủ KhaiSilk thừa nhận bán sản phẩm của Trung Quốc từ năm 1990 |
Khaisilk lâu nay đã là một cái tên đình đám, nhiều người tin đó là thương hiệu chuyên sản phẩm tơ lụa truyền thống của Việt Nam. Những chiếc khăn lụa mang mác Khaisilk từ lâu đã là một món quà mà nhiều người Việt dành tặng bạn quý, nhất là khách nước ngoài; tặng người thân những dịp lễ lạt, kỷ niệm, dù giá của nó “trên trời” so với các loại khăn lụa khác trên thị trường. Tiếng tăm Khaisilk gần như duy nhất đại diện cho lụa truyền thống của Việt Nam bước ra thế giới.
Cho đến một ngày đẹp trời, trong lô khăn tơ tằm Khaisilk giao cho đối tác, có một chiếc mang cả 2 “quốc tịch”: Made in China và Khaisilk. Từ chiếc khăn “lọt lưới” này, một sự thật được phơi bày làm sốc dư luận: Toàn bộ số khăn lụa còn lại đều nguyên dấu vết cắt mác China để gắn mác Khaisilk.
|
Đại diện Khaisilk có công văn giải thích “chày bửa”, lập lờ khẳng định khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm Việt Nam, nhưng không thể lừa được dư luận. Cuối cùng, ngày 25/10, doanh nhân Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk, đã phải chính thức thừa nhận thương hiệu Khaisilk bán lụa Trung Quốc từ những năm 1990 và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Nhiều khách hàng, kể cả khách hàng ruột của Khaisilk lâu nay ngã ngửa trước sự thật phũ phàng này. Nỗi đau không chỉ là mua phải những chiếc khăn lụa Tàu với giá gấp nhiều lần giá thực, mà lớn hơn là sợ mất chữ tín với bạn hàng, bạn bè, nếu họ phát hiện những món quà họ được tặng chỉ là lụa Việt “dởm”.
Khaisilk đã lợi dụng lòng tin của mọi người để lừa dối. Mà ăn cắp niềm tin của người tiêu dùng suốt gần 30 năm qua để làm giàu bất chính là một điều không thể tha thứ.
Các nhãn hàng lớn ở nước ngoài nếu đã có thương hiệu, là tìm mọi cách để gìn giữ. Một món hàng lỗi nhỏ cũng được thu hồi, đền bù và xin lỗi. Trong khi đó, Khaisilk lại đi ngược đạo đức và văn hóa kinh doanh, đánh rơi thương hiệu mà họ tạo dựng được không phải ngày một, ngày hai xuống bùn một cách quá dễ dàng.
Đáng tiếc là ở Việt Nam, việc làm ăn gian dối ngày càng trở nên phổ biến. Ngay ở làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng, sản phẩm lụa thật của Việt Nam cũng chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Vụ án Công ty VN Pharma bán thuốc ung thư giả đã mở ra một phần cánh cửa sự thật ở lĩnh vực dược. Vài ngày trước, Công an TP Hà Nội vừa phá một đường dây buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả điều trị bệnh ung thư, đã thêm một minh chứng về “phần nổi của tảng băng chìm” này. Rồi những vùng rau sạch nhưng vẫn phát hiện sử dụng hóa chất “bẩn”. Mỹ phẩm, dầu gội đầu trôi nổi trên thị trường đầy rẫy, “không dởm mới lạ”. Tôm xuất khẩu bị trả về vì đóng đinh trên đầu tôm cho cân nặng… Có rất nhiều hình thức gian thương, nhưng có một điểm chung là, các doanh nghiệp Việt rất khó khăn, thậm chí, không lớn được để bước ra và trụ vững trên thương trường quốc tế.
Góp phần cho những dối trá, lừa đảo trong kinh doanh, có phần lỗi của người tiêu dùng khi “nhắm mắt làm ngơ” ưa dùng hàng nhái và không tẩy chay các thương hiệu có xuất xứ hàng hóa mập mờ.
Trách nhiệm lớn hơn lại nằm ở hệ thống quản lý nhà nước có mặt hùng hậu ở khắp nơi, nhưng lại rất ít khi phát hiện các vụ gian thương dù thực tế nhan nhản. Vụ Khaisilk lừa dối người tiêu dùng suốt gần 3 thập kỷ qua là một ví dụ. Với số lượng hàng đã bán ra, đủ biết mỗi năm, ông chủ Hoàng Khải đã nhập từ Trung Quốc về lượng hàng không nhỏ, nhưng quản lý thị trường, thuế vụ dường như không biết việc bán hàng giả, lừa đảo khách hàng này, thì quả cũng lạ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận