Kinh tế

Khi nào tài sản cá nhân không nguồn gốc bị thu giữ?

29/10/2018, 06:44

Người dân có vàng, bạc, tài sản có giá… cất giữ trong nhà nhưng không có nguồn gốc chứng từ

13

Chủ tiệm vàng Thảo Lực tại Cần Thơ bị thu giữ 20 viên kim cương và gần 20 nghìn viên đá quý do không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ gây xôn xao

Qua trường hợp chủ tiệm vàng trong vụ việc “đổi 100 USD” tại Cần Thơ bị thu giữ 20 viên kim cương và gần 20 nghìn viên đá quý do không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ đã khiến nhiều người dân thắc mắc với tài sản tương tự đang cất trữ trong nhà có bị khám xét tịch thu hay không?

Luật sư lên tiếng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Trường hợp người dân có vàng, bạc, tài sản có giá… cất giữ trong nhà nhưng không có nguồn gốc chứng từ thì cũng không có cơ sở bị thu giữ. “Bởi lẽ, thực tế rất nhiều loại tài sản hợp pháp của người dân nhưng không hề có bất cứ chứng từ, hóa đơn nào chứng minh nguồn gốc. Có thể người dân được tặng, cho, được thừa kế, của để dành, mua từ thu nhập hợp pháp nhưng các hóa đơn chứng minh nguồn gốc đã bị mất thì những tài sản này vẫn thuộc sở hữu hợp pháp của người dân”, ông Toại cho biết.

"Vụ việc khiến nhiều người lo ngại tình trạng tịch thu tài sản hay quốc hữu hoá nhưng Việt Nam đang đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế thị trường nên người dân không cần lo ngại”.

Chuyên gia tài chính
Nguyễn Trí Hiếu

Ông Toại cũng trích dẫn quy định tại Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. 3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

“Như vậy, tài sản của người dân đã được văn bản pháp lý có giá trị cao nhất bảo vệ”, đại diện Công ty Luật Hừng Đông nói. Tài sản của người dân chỉ bị thu giữ trong trường hợp tài sản là vật chứng của vụ án hình sự, tài sản do phạm tội mà có, tài sản do tham nhũng mà có… “Việc thu giữ tài sản của người dân trong các trường hợp này phải theo trình tự luật định hết sức chặt chẽ nhằm tránh oan, sai ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”, luật sư Nguyễn Hữu Toại nhấn mạnh.

Khó tách bạch tài sản cá nhân với tài sản kinh doanh

Vụ việc thu giữ 20 viên kim cương và gần 20 nghìn viên đá quý có một điểm đáng chú ý là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng ngay tại nhà riêng. Xét rộng ra, trên cả nước đang có hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân có trụ sở kinh doanh đặt ngay tại nhà riêng. Vậy làm thế nào tách bạch tài sản cá nhân, gia đình với tài sản của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là khi hộ kinh doanh chưa có chế độ kế toán rõ ràng như doanh nghiệp?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại phân tích, theo quy định hiện tại của pháp luật về doanh nghiệp tư nhân thì không thể tách bạch được. Bởi theo quy định tại Điều 36, Luật Doanh nghiệp, tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp tư nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử, như chủ doanh nghiệp tư nhân sở hữu một chiếc xe ô tô và muốn dùng cho hoạt động của doanh nghiệp thì cũng không cần phải chuyển đổi sang thành tài sản của doanh nghiệp. Hoặc nếu tài sản này của doanh nghiệp thì cũng có thể hiểu là do chủ doanh nghiệp này đứng tên.

”Xuất phát từ quy định của Luật Doanh nghiệp như vậy nên chúng ta không thể tách bạch được đâu là tài sản cá nhân, gia đình đâu là tài sản của doanh nghiệp. Nếu muốn có sự tách bạch trong trường hợp này chỉ có cách sửa đổi quy định của Luật Doanh nghiệp”, ông Toại nói và cho biết thêm: Khác với công ty cổ phần, ở đây cá nhân chịu toàn bộ nên trách nhiệm rất lớn. Do đó, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, để tách bạch tài sản không cần thiết. Luật pháp cũng đã đưa ra hành lang pháp lý để người dân lựa chọn phương thức kinh doanh.

Liên hệ với vụ việc của chủ tiệm vàng tại Cần Thơ, luật sư Toại cho rằng, chỉ các quan chức trong diện kê khai tài sản mới phải kê khai và chứng minh nguồn gốc tài sản của mình, còn người dân bình thường không có nghĩa vụ phải thực hiện. “Còn trường hợp ở Cần thơ là lạm dụng”, ông Toại nhận xét.

Chỉ rõ hơn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, người dân chỉ phải chứng minh nguồn gốc tài sản khi bị tranh chấp, khởi kiện, truy tố. ”Còn thời điểm đó, người chủ tiệm vàng ở Cần Thơ không bị bất cứ cơ quan nào truy tố hay không bị ai khởi kiện liên quan những tài sản đã bị tịch thu nên anh ta không cần phải chứng minh với ai rằng vàng này nguồn gốc ở đâu nếu anh ta không phạm pháp”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đề nghị miễn phạt 90 triệu đồng người đổi 100USD

Liên quan đến vụ anh Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng sau khi đi đổi 100USD, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, sau khi có chỉ đạo từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đơn vị đang làm văn bản tham mưu cho UBND TP Cần Thơ hướng xử lý vụ việc.

Theo đó, ông Hà sẽ đề xuất xem xét miễn, giảm số tiền phạt 90 triệu đồng của anh Cà Rê với các lí do như: Đây là lần đầu vi phạm, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, anh Rê lại có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập của thợ điện thì việc đóng phạt với số tiền nói trên là không thể. Trong trường hợp xem xét miễn 100% việc đóng phạt thì có thể tang vật là 100USD sẽ được hoàn trả lại. Tuy nhiên, theo ông Hà, đây chỉ là hướng thảo luận và chưa có văn bản chính thức. Còn đối với tiệm vàng Thảo Lực, nơi anh Rê đổi 100USD, việc bị xử lý là đúng quy định vì nơi đây đã có hành vi mua bán ngoại hối mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và bị bắt quả tang.

Trước đó, cuối tháng 1, khi anh Cà Rê mang 100USD đến tiệm vàng Thảo Lực để đổi ra tiền Việt thì bị lực lượng chức năng kiểm tra và lập biên bản. Sau đó, anh Rê bị UBND TP Cần Thơ phạt 90 triệu đồng, tịch thu 2.260.000 đồng (quy đổi từ 100USD). Còn tiệm vàng Thảo Lực bị xử phạt hành chính với số tiền 295 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là tịch thu 100USD. Đồng  thời, doanh nghiệp này còn bị tịch thu 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo trị giá 548.664.000 đồng.

Liên quan vụ việc này, ngày 27/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc UBND TP Cần Thơ phạt người đổi 100USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10.

Lê An

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.