Một cảnh trong vở kịch “Người Hà Nội” do các nghệ sỹ của Nhà hát Quân đội biểu diễn |
Đội ngũ lý luận phê bình sân khấu ngày càng ít đi, người làm nghệ thuật chỉ thích khen - không thích chê, nhà lý luận phê bình “ngậm miệng ăn tiền”… là thực trạng được chỉ ra trong Hội nghị Lý luận phê bình sân khấu với nghệ sĩ Hà Nội diễn ra ngày 21/11.
Nhà phê bình sân khấu khó giữ đạo đức
PGS. Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội chỉ ra thực trạng hiện nay, với những tác phẩm sân khấu, nhiều người viết bình nhưng không có lý luận, số khác viết lý luận nhưng không bình. Từ những năm 1980, lý luận phê bình sân khấu ngày càng yếu kém khiến “cơ thể của nghệ thuật sân khấu đang bị khuyết”. Ông lý giải, nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do phần lớn nghệ sĩ thích khen hơn thích chê. Họ luôn cho rằng, nhà phê bình là chỉ phê bình nên khi các nhà hát ra mắt những vở diễn mới, các nhà lý luận phê bình thường bị ngó lơ. “Các nghệ sĩ ghét nhà lý luận phê bình mà không hiểu rằng, phê bình sân khấu không phải phê mà đánh giá, bình phẩm những thành công, chưa thành công, những cái hay và chưa hay, cái cần tới hay những điểm cần phát huy. Mặt khác, những người làm phê bình sân khấu viết cũng chưa tốt, để lại những ấn tượng không hay”, ông giải thích.
Không chỉ vậy, PGS. Trần Trí Trắc cũng nghẹn ngào khi nói về sự bế tắc của nhà lý luận phê bình sân khấu hiện nay. Ông kể, có lần xuống nhà hát duyệt vở, có nghệ sĩ ôm chặt ông và nói đây là vở xã hội hóa, anh em đóng tiền để làm. Thế là ông chỉ dám khen chứ không dám phê, vì phê sẽ mất lòng mọi người, mất niềm tin của công chúng và bị nói thô bạo trước hoàn cảnh khó khăn của nghệ sĩ. Chưa kể, có nhà hát còn dúi phong bì, không cầm thì sợ bạn giận mà cầm thì “ngậm miệng ăn tiền”.
Làm nhà lý luận phê bình sân khấu. Không chỉ đòi hỏi nhà phê bình phải có trình độ hiểu biết toàn diện mà còn phải có đạo đức, trung thực, giữ được mình. Trong hoàn cảnh đất nước không có truyền thống phê bình sân khấu thì mọi thứ lại càng khó khăn. Bởi những lời khen chê hôm nay trở thành văn bản chính danh. Ông Trắc thừa nhận, những người làm nghề lý luận chưa có ai ăn lương để làm nghề.
Đồng quan điểm, nhà viết kịch Ngọc Thụ, Chủ tịch CLB tác giả sân khấu cho biết, cả nước có khoảng 560 tờ báo nhưng đọc nhiều bài lý luận văn hóa, nghệ thuật đều khen chung chung và giống nhau. Nhiều bài rơi vào tình trạng bình chứ không phê. “Công tác lý luận phê bình sân khấu nhiều năm nay quá kém cỏi. Các lãnh đạo không quan tâm tới công tác phê bình, sinh viên học ra không có việc làm, không có tương lai, nhiều bạn trẻ thiếu đam mê nên hạn chế nghề nghiệp”, Chủ tịch CLB tác giả sân khấu nhận định.
“Cứu” lý luận phê bình sân khấu
Hiện nay, tại Hà Nội có 6 đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp. Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, các nhà hát của Hà Nội hàng năm đều xây dựng 2-3 chương trình biểu diễn mới phục vụ nhân dân. Năm 2017 xây dựng được 17 chương trình, dựng được 1.609 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, 285 buổi tham gia liên hoan, cuộc thi chuyên nghiệp đạt được nhiều huy chương.
Ông Chiêm nhìn nhận về thực trạng hội đồng nghệ thuật chủ yếu của các nhà hát hiện nay là nghệ sĩ biểu diễn công tác lâu năm, thiếu người chuyên làm lý luận khiến việc phê bình bị hạn chế, dẫn tới khâu thẩm định ban đầu tại các nhà hát bị hạn chế. Các nhà hát đang trong thời kỳ chuyển giao lãnh đạo, nhà chuyên môn tâm huyết đến tuổi nghỉ hưu, diễn viên không có người được đào tạo về lý luận phê bình nghệ thuật. Theo ông, để phát triển sân khấu cần có những nhà làm lý luận phê bình sân khấu chuyên nghiệp. “Các đơn vị có thể chọn diễn viên của nhà hát cử đi học, đào tạo lý luận phê bình”, NSND Trần Quốc Chiêm đưa ra giải pháp.
Trong khi đó, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đưa ra ý kiến, nên tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học về lý luận phê bình để sân khấu có nhiều tác phẩm có giá trị. Bên cạnh đó, cũng có thể thành lập một CLB lý luận sân khấu để các nghệ sĩ và nhà lý luận phê bình có nhiều hơn không gian, thời gian trao đổi với nhau. Còn nhà lý luận Trần Đình Ngôn lại đưa ra ý kiến, các tác phẩm ra đời phải đảm bảo đời sống nghệ sĩ. Do đó, lý luận phê bình dù động cơ trong sáng đến đâu thì cũng ít nhiều gây ra những ảnh hưởng đối với vở diễn bán vé.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận