MV ca nhạc được phát hành trên nền tảng internet đang không bị kiểm duyệt như các loại hình điện ảnh, sân khấu và truyền hình. Và thế là, những hình ảnh bạo lực, sử dụng bia rượu, thuốc lá… trong MV vô tư đến với người xem, trong đó có những trẻ vị thành niên, từ đó có thể hình thành những suy nghĩ và hành động lệch lạc.
Đầy cảnh rượu bia, thuốc lá nhưng không dán nhãn
Đang là MV nằm trong Top thịnh hành của Youtube suốt thời gian qua, “Bigcityboi” của rapper Binz kết hợp cùng Touliver hiện đã đạt hơn 23 triệu lượt xem và trở thành bản Hit có sự lan tỏa mạnh. MV được đầu tư kỹ lưỡng và được coi là “xa xỉ” khi những món đồ được trưng dụng cho nhân vật chính đều là đồ hiệu tiền tỷ.
Âm nhạc là một sản phẩm giải trí nhưng nếu mang tính giáo dục thì sẽ dễ dàng tiếp cận với khán giả trẻ. Bởi thế, tôi không bao giờ đồng ý việc sử dụng hình ảnh về các tệ nạn như hút thuốc lá, uống rượu bia hay những sản phẩm mang tính chất gợi dục, nhảm nhí… chỉ để làm MV mà không mang những thông điệp tích cực.
Nhạc sỹ Nguyễn Đình Vũ
Đáng chú ý, vì sản phẩm có sự tài trợ của một thương hiệu bia nên trong MV có nhiều cảnh quảng cáo cho hãng bia này, thậm chí quay cận cảnh nhãn hiệu nhiều lần. Không chỉ là cảnh nam chính cầm lon bia lắc lư, mà còn xuất hiện hình ảnh một nhóm người cầm chai bia nhảy nhót. Thế là, dù là một sản phẩm âm nhạc nhưng “Bigcityboi” lại có thể coi như một clip quảng cáo hoàn hảo cho thương hiệu bia kia.
Binz cũng có một MV khác là “Quên anh đi” xuất hiện hình ảnh quảng cáo trá hình cho một nhãn hiệu rượu.
Trước đây, vào năm 2013, Hồ Ngọc Hà từng gây xôn xao với những cảnh quay cận, quảng cáo trá hình cho một nhãn hiệu rượu ngoại trong MV “Cảm ơn cha”. Ê-kíp của Hồ Ngọc Hà đã bị xử phạt 30 triệu đồng vì vi phạm Luật Quảng cáo cũng như các nghị định về quản lý các hoạt động internet.
Không chỉ quảng cáo rượu bia trá hình, nhiều MV ca nhạc còn vô tư khai thác các cảnh quay hút thuốc lá (dù đã có quy định hạn chế tại Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL). Gần đây nhất, MV “Em đau lòng thế, anh vừa lòng chưa” của Khả Ngân gây tranh cãi khi liên tiếp có những cảnh đập phá đồ đạc, hút thuốc và cả cảnh nóng nhưng MV không được dán nhãn.
Ngoài ra, còn có rất nhiều MV khác xuất hiện những cảnh quay phản cảm như “Phê”, “Mời ngay lên phường” (Duy Mạnh), “Những kẻ mộng mơ” (Noo Phước Thịnh), “Chàng trai thất tình” (Đạt G và Binz)…
Đấy là chưa kể tới các MV không phải của giới ca sĩ chính thống. Chẳng hạn, MV “Đớ” của Bình Gold gây sốc khi cổ súy việc sử dụng ma túy đá và miêu tả cảnh một nhóm thanh niên hút “cỏ”, sử dụng ma túy. Cũng của Bình Gold, MV “Bốc bát họ” đạt trên 35 triệu lượt xem từ đầu tới cuối chỉ có những hình ảnh uống rượu lắc lư và phì phèo thuốc lá.
Đáng nói, tất cả các MV này đều không có cảnh báo, cũng không dãn nhãn, trong khi nhiều ca sĩ là những cái tên sở hữu lượng người hâm mộ lớn, trong đó có lượng fan là trẻ em.
MV ca nhạc đang bị thả nổi
Ngày 24/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 24 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó quy định, việc sử dụng hình ảnh uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia. Đồng thời, quảng cáo rượu bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trước đó, Thông tư 25/2018 của Bộ VH-TT&DL cũng quy định hạn chế và cấm hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Trường hợp có các cảnh quay sử dụng thuốc lá phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định. Cùng đó, với điện ảnh thì phim phải được phân loại theo lứa tuổi phù hợp, có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc bằng hình ảnh.
Dễ thấy, các quy định này đang chỉ áp dụng cho ba lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và truyền hình. Trong khi đó, luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, MV ca nhạc chỉ là một video ghi hình, không phát hành dưới dạng băng đĩa hay phim nên rất khó để áp dụng các quy định trên. “Chỉ có thể quy về việc quản lý hoạt động trên internet, nhưng các vấn đề trên internet hiện nay cũng đang khó quản lý. Chúng ta vẫn đang làm theo kiểu ai đặt vấn đề tới đâu thì xử lý tới đó”, luật sư Dũng chia sẻ.
Theo nhạc sỹ Nguyễn Đình Vũ, với hình ảnh uống rượu bia, hút thuốc, nếu MV chỉ đơn thuần mô tả mà không có cách chỉ rõ tác hại của nó thì nên hạn chế. Bởi nếu không có những cảnh báo, đôi khi nghệ sĩ sẽ vô tình hoặc âm thầm cổ súy cho những hành vi này. Đối với các hình ảnh tệ nạn, nếu đưa vào sản phẩm âm nhạc nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp thì vẫn có thể vận dụng một cách khéo léo.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó viện trưởng Viện Việt Nam Bách nghệ thực hành cho rằng, luật vẫn luôn đi sau sự phát triển của xã hội. Do đó, đối với những người nghệ sĩ, người làm sáng tạo cần định hướng người xem, đưa ra cảnh báo để phù hợp lứa tuổi người xem.
“Người lớn cũng phải quan tâm tới con em khi tiếp cận những thông tin trên mạng, tránh những tác động không tốt, đồng thời định hướng để các con biết phân biệt điều nào nên làm, điều nào không”, tiến sĩ Hòa An nhận định.
MV “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP vào năm 2019 dù được đánh giá cao nhưng cũng bị “bóc phốt” với các cảnh phì phèo khói thuốc của Snoop Dogg. Rapper này liên tục nhả khói, rap trong vòng khói trắng của điếu thuốc. Các cảnh quay này được cho là khiến MV không thành công về mặt thông điệp, đi ngược lối sống xanh mà thế giới đang hướng tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận