Một buổi hầu đồng. Ảnh internet |
Ngày 1/12, hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điều này tạo ra niềm vui cho rất nhiều người và ngược lại, cũng khiến không ít người băn khoăn, lo lắng. Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, về câu chuyện hầu đồng bị lợi dụng biến tướng.
Trên thế giới có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở một địa phương, vùng miền mà còn mang tầm ảnh hưởng thế giới như Thiên chúa giáo, đạo Phật, đạo Tin lành... Tất cả những tôn giáo đó đều có mục đích hướng đại chúng đến nhận biết và thực hành Chân - Thiện - Mỹ, trong đó đề cao sự tự lực bản thân, nếp sống thiện lương và đưa ra các hình tượng thánh thiện như Chúa Jesus - Thiên đàng; Đức Phật - Niết Bàn; Thánh Alah - Thiên đường... đây là những nơi để đại chúng hướng tâm mình đến, để tiếp thêm sức mạnh tinh thần và mong cầu sự cứu rỗi.
Ở Việt Nam có tín ngưỡng thờ Mẫu với hình thức thể hiện tiêu biểu là hầu đồng được đánh giá là độc đáo, khác biệt.
Độc đáo từ cách thức phổ biến đến thực hành nghi lễ. Tôi cũng đã từng tham dự các buổi hầu đồng, đã từng được thanh đồng rỉ tai: “Anh có căn Ông Hoàng Bảy”... Từ tò mò, tôi lân la đi hết vấn (buổi) hầu này, đến vấn hầu khác để tìm xem có ông hoàng này, bà mẫu kia về rỉ tai chuyện âm, chuyện dương gì không, nhưng kết quả tìm hiểu theo quan điểm cá nhân tôi, câu chuyện đồng bóng hiện ra chỉ là sự lừa mị. Trong đó, nạn nhân không phải chỉ là những người tham dự mà cả nhân vật chính là người lên đồng cũng trở thành nạn nhân khi tự huyễn hoặc mình là thánh này, thánh nọ có những khả năng của thần tiên.
Những nạn nhân tự nguyện hoặc ép buộc đó trong chế độ ta trước đến nay chỉ âm thầm tạo sự ảnh hưởng, gieo rắc niềm tin cho những người gặp những hoàn cảnh khó khăn, éo le để đưa họ vào vòng mê mờ của tham- sân – si chứ không dám công khai truyền bá sức mạnh từ chuyện đồng cốt.
Câu chuyện mê tín hầu đồng nói riêng và các hủ tục nói chung đã biến một bộ phận không nhỏ đại chúng trở thành những kẻ mê muội, không chịu sống cuộc đời bình thường, lao động chân tay hoặc trí tuệ để mang lại lợi ích cho mình, cho người mà chỉ mong kêu cầu, xin xỏ thánh thần.
Vì thế, sự công nhận đạo Mẫu và hầu đồng thành Di sản văn hóa phi vật thể đang thực sự đặt ra những vấn đề về quản lý, phát huy văn hóa cổ truyền, về quyền tự do tín ngưỡng. Nhiều người chưa thực sự hiểu rõ giá trị của việc công nhận Di sản văn hóa thế giới với hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” có đồng nghĩa với việc công nhận hầu đồng, cầu danh lợi không còn là mê tín dị đoan như quan điểm phổ biến từ trước tới nay hay không?
Cũng có dư luận lo ngại, ẩn giấu trong hình thức thực hành đạo Mẫu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hành vi hầu đồng khuyến khích đại chúng say sưa trong một niềm tin siêu thực vào các thế lực thánh thần có thể can thiệp, thay đổi chuyện dương thế, trở thành những con người thụ động chờ đợi được “cô thương”, “ban phát tài lộc”. Bên cạnh đó, những giá trị truyền thống lành mạnh của văn hóa dân tộc liệu còn được giữ gìn và phát huy, hay sẽ bị đồng hóa cùng những câu chuyện mang màu sắc mê tín của đồng cốt?
Việc được vinh danh các giá trị văn hóa dân gian nhạy cảm liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo nếu không có sự ứng xử và phát huy giá trị phù hợp dễ bị lợi dụng trở thành dị đoan giống như con dao hai lưỡi, ở một góc độ nào đó, sẽ có ảnh hưởng khó lường đến đời sống và văn hóa tinh thần hiện tại. Vấn đề này rất cần được các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu làm rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận