Trung tâm thương mại Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm ở vị trí đắc địa |
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt chợ truyền thống tại Hà Nội được đưa vào tầm ngắm cải tạo, “lên đời” thành trung tâm thương mại hoặc tổ hợp chợ - trung tâm thương mại - văn phòng - nhà ở…
Sau 10 năm, có ít nhất 10 chợ truyền thống ở Hà Nội đã biến mất, thay vào đó là những “tổ hợp” mà người ta không biết nên gọi là cái gì bởi thương mại thì không hoạt động mà hỗn hợp nhà ở kết hợp văn phòng, trung tâm thương mại thì hổ lốn, rất bất tiện.
Thực tế qua khảo sát từ những mô hình chợ kết hợp với TTTM “lứa đầu” của Hà Nội như Tổ hợp TTTM Chợ Mơ, TTTM chợ Cửa Nam hay TTTM chợ Hàng Da… cho tới những công trình mới đi vào sử dụng được hai năm như Chợ thương mại Cầu Bươu, đều đang trong tình trạng ế cả người bán lẫn người mua. Khách hàng chê bất tiện còn tiểu thương chê “sưu cao thuế nặng” lại “ngồi không cả ngày”.
Đáng nói, số tiền các chủ đầu tư bỏ ra để thực hiện các dự án trên đến giờ phút này đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trước tình cảnh này, chính quyền và cơ quan chức năng Hà Nội cũng đã ra sức hỗ trợ các chủ đầu tư song không hề được cải thiện.
“Ban đầu, họ đổ cho chợ cóc, chợ tạm, đến khi ra quân dẹp chợ cóc, chợ tạm mà vẫn lỗ thì bây giờ phải tính lại”, lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội từng lắc đầu cho hay. Cuối cùng, lãnh đạo TP Hà Nội cũng phải ra quyết định sẽ không tiến hành mô hình dự kiến kết hợp chợ truyền thống với TTTM nữa. Tuy nhiên, các dự án trước đó đã đi vào sử dụng không hiệu quả tới nay Hà Nội vẫn chưa có phương án xử lý.
Theo các chuyên gia, câu chuyện trên bắt nguồn từ phương án cải tạo chợ theo hướng huy động vốn xã hội hóa nên thay vì cách tiếp cận có tính nhân văn, cải tạo không gian chợ tốt lên, nhiều chủ đầu tư chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt từ dự án “đất vàng”. Khi đã bị kẹt giữa những lợi ích với thực tại, các nhà đầu tư trở nên hờ hững, phó mặc cho các chợ thương mại hoạt động theo kiểu “sống chết mặc bay” để tìm kiếm mục đích khác.
Còn theo ý kiến một số nhà nghiên cứu văn hóa, mỗi chợ đều gắn với nơi chốn của một khu dân cư có tính văn hóa, cộng đồng. Chợ trong lòng thành phố, ngoài chức năng phát triển kinh tế dân sinh còn là biểu hiện lối sống mới trong văn hóa đô thị mới. Do đó, nếu muốn cải tạo chợ truyền thống cần phát triển theo hướng trở thành không gian công cộng hữu ích mà vẫn giữ được giá trị vốn có của nó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận