Diễn viên nhà hát cải lương Việt Nam trong vở “Vua Phật” |
Các nhà hát lao tâm khổ tứ để đào tạo ra một khóa diễn viên các môn nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương. Tuy nhiên, từ khi dự án triển khai, vui nhiều nhưng lo cũng không ít.
Miễn phí để giữ chân học viên
Để cứu lấy các môn nghệ thuật truyền thống, từ năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã thí điểm giao việc trực tiếp tuyển sinh và thực hiện kế hoạch liên kết đào tạo cho bốn đơn vị nghệ thuật truyền thống thuộc Bộ đó là: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Bốn nhà hát nói trên không chỉ tham gia công tác tuyển sinh, mà còn phối hợp với các trường nghệ thuật tham gia giảng dạy, đào tạo. Việc đổi mới giảng dạy này, rất nhiều người hy vọng sẽ mang lại những tín hiệu vui cho nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa thể vui được. Sau ba năm thực hiện, các nhà hát mới chỉ tuyển được một khóa duy nhất. Tuy vậy, không phải nhà hát nào cũng duy trì được số lượng học sinh, sinh viên của mình.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, hiện nhà hát có 39 em đang theo học lớp đào tạo diễn viên nguồn cho nhà hát. Chất lượng thí sinh cũng có phần khá hơn rất nhiều và có thể là đội ngũ kế cận tiếp theo cho nhà hát. Tuy nhiên, để giữ được số học sinh này, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã phải cố gắng hết sức. “Ngoài miễn phí tiền phòng, tiền học phí, điện nước sinh hoạt, nhà hát còn trang bị cho các em điều hòa, bình nóng lạnh… để nâng cao điều kiện sinh hoạt. Nhà hát cũng thường xuyên cho các em tham gia các show diễn để có thu nhập thêm, tạo động lực làm việc cho các em…”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dự án đào tạo nguồn nghệ sỹ biểu diễn kế cận hiện đang vướng phải một số khó khăn do chưa có giáo trình chuẩn cho bộ môn Tuồng. “Sắp tới, nhà hát sẽ tích cực phối hợp với nhà trường và các thày bộ môn sớm thông qua giáo trình giáo án cho tuồng, để thực hiện tốt dự án đào tạo bổ sung nhân lực cho đơn vị trong thời gian tới”.
Hiện, Nhà hát Chèo Việt Nam đang rất vui mừng khi đào tạo được khóa học hơn 20 học sinh hệ trung cấp (độ tuổi 15 – 18 ở các tỉnh, thành phía Bắc) với nhiều gương mặt tiềm năng cho nghệ thuật chèo, từ đào, kép cho đến nhạc công…
Nhà hát Cải lương ảm đạm, vắng tanh
Trái với Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Chèo Việt Nam, dự án đào tạo của Nhà hát Cải lương Việt Nam không khả quan. NSƯT Hoàng Văn Đạt, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN cho biết: Dự án của chúng tôi là tuyển sinh 50 em, 15 nhạc công và 35 diễn viên. Tuy nhiên, năm 2013, nhà hát chỉ tuyển được 15 em và hiện tại lớp học chỉ còn 12 người và không có nhạc công. Năm 2015, 2016, không có thí sinh đăng kí, nhà hát cũng không thể tiếp tục triển khai được dự án. Tình hình này, sang năm 2017, nhà hát cũng không tuyển. Ông Đạt nói về tình trạng ảm đạm trên: Dự án đào tạo là đến năm 2025, năm nào các nhà hát cũng có thể tuyển sinh, nhưng thực tế nhà hát không thể tuyển sinh được. Hoặc, tuyển sinh được thì người ta học xong cũng lấy chồng lấy vợ, rồi đi làm việc khác.
Không chỉ khó khăn trong việc tuyển sinh, mà theo PGĐ Nhà hát Cải lương việc tuyển diễn viên cũng gặp khó khăn. “Nhà hát còn 30 biên chế nhưng không thể nào tuyển được. Trước đây dàn nhạc công có 21 người nhưng bây giờ mỗi đoàn chỉ có 3 người, 3 người chỉ có biết chơi tân nhạc chứ không chơi được nhạc cổ, chất lượng kém. Hiện tại, cứ tình hình này không có nhạc công, diễn viên phải… hát đĩa. Thời hoàng kim của Thanh Thanh Hiền mới 15 tuổi. Còn giờ đây, diễn viên trẻ tuổi nhất của nhà hát là… 33 tuổi”.
Nghệ thuật đang rơi
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện |
Ông Hoàng Văn Long, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Nhà hát Tuồng Việt Nam chua xót kể câu chuyện về gia đình mình: “Hai vợ chồng tôi công tác trong Nhà hát Tuồng VN. Chúng tôi đều muốn hai con đi theo nghiệp của cha mẹ. Con trai đầu, sau khi ra trường cũng vào công tác tại Nhà hát Tuồng VN. Nhưng sau hai năm, con trai tôi đã xin bố mẹ cho nghỉ để đi học ngành khác. Chúng tôi dù không muốn nhưng cuối cùng vẫn phải theo quyết định của con. Bởi vì, nghệ sĩ Tuồng quá nghèo”.
Đạo diễn Lê Tuấn Cường, Phó trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng, nghệ thuật truyền thống không thu hút được giới trẻ theo học vì người ta nhìn thấy mức sống của anh em nghệ sỹ truyền thống rất khó khăn. Ví dụ: NSND Diễm Lộc, NSND Thanh Ngoan, các NSND của làng chèo hát một giờ không bằng cát sê 1/100 ca sĩ thị trường. Hay như cả đoàn chúng tôi diễn một tối cát-sê 20 triệu đồng với 40 con người, 3 ô tô phục vụ, không bằng cát-sê của một ca sĩ thị trường. “Trong khi đó, đào tạo chèo vô cùng khó khăn, vất vả trong nhiều năm trời. Điều này không thu hút được các em học sinh”, ông Cường cho biết.
Nhiều giải pháp để “cứu” nghệ thuật truyền thống đã được đề cập, nhưng đến nay, các môn nghệ thuật này vẫn rơi vào khủng hoảng, nhất là vấn đề nhân lực. Không tuyển sinh được, thiếu đội ngũ sáng tác, thiếu nghệ sĩ, thiếu kịch bản, tác phẩm dàn dựng không thu hút được khán giả… - đó là thực trạng đáng buồn hiện nay của các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
“Không có tinh hoa, xấu hổ lắm! Tại Cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ VH,TT&DL diễn ra ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Chúng ta đang đi lạc đường và chạy theo các sự vụ tầm thường. Chúng ta phải đi vào những nhiệm vụ đích thực của Bộ là phát triển nghệ thuật đỉnh cao và bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Bảo tồn không phải như cũ, cứ ngồi đó mà đợi, Nhà nước phải thay đổi cơ chế, năng động hơn, làm những tác phẩm thu hút khán giả, kết nối với du lịch”. Cùng đó, Bộ trưởng đặt ra các câu hỏi: “Trong một Bộ mà chúng ta chưa kết nối được với nhau, tại sao không yêu cầu các tour du lịch tới các nhà hát? Chúng ta phải thay đổi phương cách, cùng một Bộ mà không làm được thì nói ai?”.Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo tồn truyền thống đối với chủ trương tự chủ hiện nay. Theo ông, đây là chủ trương đúng của Bộ, bởi những vấn đề gì tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm để bảo tồn truyền thống. Hiện nay đã 4 năm, các trường của Bộ không chiêu sinh được sinh viên biên kịch, phê bình, sáng tác. Có nguy cơ, nếu Bộ không đầu tư, không nhìn nhận đúng thì sẽ nguy hiểm đến các bộ môn: Tuồng, Chèo, Cải lương… Nếu quyết phải tự chủ hoàn toàn thì có bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ phải đóng cửa, giải tán ngay, không có người mua vé xem và nghệ sĩ bỏ đi hết”, Bộ trưởng cho biết.“Tôi ra nước ngoài, họ mời vào nhà hát xem chương trình nghệ thuật hoành tráng, còn họ sang ta, tôi chỉ có thể mời cơm, gọi bầu sô đến, không có tinh hoa, xấu hổ lắm!”, Bộ trưởng Thiện cho biết và kỳ vọng: “Có chương trình chất lượng, có nơi biểu diễn, có khán giả, chúng ta cứ làm dần dần để phát triển nghệ thuật đỉnh cao. Đó là việc cần quan tâm trong 6 tháng tới. Dần dần mới có thể đưa công chúng đến với nghệ thuật” . |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận