|
Vợ Kính cận trẻ, khỏe, cũng nhóm máu 0 nhưng không “máu” như chồng. Cô nàng uể oải hỏi: “Sao tự dưng lại hết? Quanh năm suốt tháng không hiến, gần Tết rồi, bao nhiêu việc, chẳng may hiến xong lăn ra ốm thì ai chăm cái nhà này?”.
Kính cận dỗ dành: “Ừ thì cả cái nhà này trông một tay em chăm lo, nhưng hiến máu đâu có nguy hiểm đến vậy. Hồi sinh viên, cả hai vợ chồng mình đều đã đi hiến đó thôi”.
Vợ Kính cận thắc mắc: “Hình như kho máu cả nước này chỉ trông chờ vào sinh viên thì phải. Em nghe ông giám đốc Viện Huyết học nói cứ đến đận sinh viên về quê nghỉ Tết hay nghỉ hè dài hạn là họ lo lắm. Mà cứ chỉ trông nhờ các bạn trẻ hiến tình nguyện mãi thì không ổn, phải có cách gì khác chứ”.
Kính cận phân tích: “Lượng máu hiến tình nguyện ngày càng tăng đó em, giờ ít hẳn số người đi bán máu rồi. Chỉ cần những người đã từng hiến máu chăm đi hiến lại là ổn”.
Vợ Kinh cận làu bàu: “Anh tưởng muốn người ta đi hiến lại mà dễ à? Phải nói cho người ta hiểu, nói kiểu hiện đại là phải biết “làm truyền thông”? Đừng có để người ta thắc mắc hiến máu thì tự nguyện, mua máu thì giá cao. Rồi thì phải đảm bảo an toàn cho người hiến máu. Phải biến việc hiến máu không chỉ là một hành động thiện nguyện đẹp mà là một việc làm khôn ngoan. Ai có chứng nhận hiến máu vào viện là được ưu tiên, có thể nhận lại hoàn toàn miễn phí lượng máu mình đã hiến...Thậm chí có thể tặng lượng máu hiến này cho người trong gia đình khi cần”.
Trong khi vợ thao thao bất tuyệt, Kính cận lẳng lặng lên mạng tra lại các thông tin cần biết trước khi đi hiến máu. Lâu rồi chả hiến khéo lại chả đủ điều kiện cũng nên. Dù bà vợ lắm điều khó tính có nói gì đi nữa, mai Kính cận đã quyết, một giọt máu cho đi, một cuộc đời giữ lại, khi có người cần, mình không thể thờ ơ. Những điều nàng nói cũng đúng, nhưng là việc của người khác, việc của mình là thấy điều gì nên làm thì đừng thờ ơ. Vậy thôi!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận