Chuyện dọc đường

Khoán xe công đừng nửa vời

22/03/2018, 08:21

Cần nghiên cứu, điều chỉnh sao cho chủ trương, biện pháp khoán xe công phải thực sự triệt để và hiệu quả...

2

Xe công đậu trước UBND TP.HCM

Theo phương án đề xuất, TP.HCM thí điểm tại 3 sở ngành và 2 quận huyện, và cũng chỉ “gói” trong phạm vi sử dụng ô tô phục vụ công tác chung đưa đón cán bộ từ nơi làm việc đến nơi công tác mà chưa áp dụng trong việc đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc.

Có thể nói, sau một thời gian dài chuẩn bị, triển khai thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ và Hà Nội thì đề án khoán xe công của TP.HCM xem ra vẫn khá dè dặt cả về số lượng đơn vị, phạm vi lẫn hiệu quả áp dụng. Theo tính toán của Sở Tài chính TP.HCM, dự kiến, mỗi năm địa phương này cũng chỉ giảm được hơn 1,2 tỷ đồng với phương án trình duyệt!? Như vậy, kỳ vọng giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước từ khoán xe công rõ ràng đã không được như mong đợi.

Không riêng TP.HCM, báo cáo của Hà Nội cho thấy, qua thực hiện thí điểm khoán xe công tại 8 đơn vị (Sở Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, GTVT, Lao động, Thương binh và Xã hội; quận Hà Đông, Long Biên; huyện Thanh Trì, Gia Lâm), từ tháng 3 đến hết tháng 8/2017, TP cũng chỉ tiết kiệm khoảng 1,7 tỷ đồng! Mặc dù Hà Nội hăng hái mở rộng khoán xe công trên địa bàn toàn TP, song ngay cả như vậy, ngân sách Nhà nước cũng không tiết kiệm được bao nhiêu!

Như vậy, để có thể giúp ngân sách cắt giảm 3.400 tỷ đồng mỗi năm bằng việc khoán xe công trên phạm vi cả nước như tính toán của Bộ Tài chính, chủ trương này cần được thực hiện triệt để hơn nữa. Như phương án thí điểm hiện nay, các đơn vị mới chỉ khoán xe phục vụ công tác chung chứ chưa khoán hoạt động đưa đón các chức danh từ nhà tới nơi làm việc. Trong khi đó, các đơn vị triển khai đều viện đủ lý khó khăn, vướng mắc với tâm lý trì hoãn thực hiện!

Cắt, giảm xe công giúp tiết kiệm ngân sách, đó là điều không bàn cãi. Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng cần có nhìn nhận, đánh giá lại cách thức thực hiện. Trên cơ sở đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh sao cho chủ trương, biện pháp khoán xe công phải thực sự triệt để và hiệu quả, đúng như kỳ vọng của người dân. Người dân cần ở cán bộ lãnh đạo là trình độ, năng lực, nhân cách và hiệu quả làm việc, chứ không quan tâm chuyện lãnh đạo đi xe gì, trị giá bao nhiêu tiền, có được đưa rước hay không! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.