Đường lên núi Cái Hạ dài hàng kilomet hoá ra là công trình xây trái phép - Ảnh: We25 |
Trước 8/3 vợ tôi thẽ thọt, năm nay không cần mua quà, cuối tuần anh đưa em về Ninh Bình, chụp ảnh “check in” núi Cái Hạ. Người ta mới xây đường lên núi uốn lượn dài hàng kilomet, đi mau kẻo vài hôm nữa họ đập mất thì chả có chỗ “seo phi”.
Tôi khá ngạc nhiên với tốc độ cập nhật thông tin, tình hình thời sự của vợ.
Vợ tôi - một người nội trợ bình thường, vậy mà cô ấy biết chỗ nào xây không phép, chỗ nào sắp bị đập bỏ, chỗ nào cần sớm đến thăm quan kẻo sau này sẽ thành phế tích. Ở thời đại công nghệ này, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể trở nên “thông kim bác cổ”.
Nhưng dường như có nhiều cá nhân, nhiều tập thể đang không hề muốn cập nhật, muốn xử lý thông tin một cách nhanh gọn theo xu hướng mà cả thế giới đang làm. Hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó, họ đứng hẳn ra ngoài, bịt tai, nhắm mắt trước dòng chảy của thông tin. Họ ì ạch, chậm rãi và đủng đỉnh.
Việc một công trình xây dựng không phép lừng lững trên đỉnh núi thiêng - núi Cái Hạ, Tràng An, Ninh Bình mà chẳng cơ quan nào hay biết và xử lý, có lẽ nào vùng lõi di sản đó nội bất xuất, ngoại bất nhập, ma không biết quỷ không hay? Không, vùng núi đá đó nằm trong tầm mắt các cơ quan quản lý, từ xã đến tỉnh. Nhưng lạ kỳ thay, cái công trình đó cứ ung dung được xây cất rồi hoàn thành và đưa vào bán vé, thu tiền.
Mọi việc chỉ vỡ lở, chỉ được xới lên trên truyền thông vì một lý do bí hiểm nào đó. Khi ấy, tất cả mới ú ớ, hỏi xã xã không biết, hỏi huyện huyện không hay, hỏi sở thì sở trả lời đã ra văn bản, đã thúc công văn nhưng doanh nghiệp người ta vẫn xây. Sở chịu. Hết trách nhiệm, hết cách rồi. Thật khôi hài.
Chẳng thể nào có chuyện không “đèn xanh” mà doanh nghiệp dám tự ý xây được một công trình đồ sộ như vậy. Khi không có “đèn xanh”, chỉ cần doanh nghiệp hay người dân kê lên một viên gạch, lập tức cái việc xây dựng trái phép hoặc chưa được phép ấy sẽ bị dừng lại ngay tức khắc.
Tôi có chung quan điểm với vợ mình. Công trình xây không phép trên núi Cái Hạ khá đẹp. Toàn bộ hệ thống bậc thang, cột, trụ... đều được thiết kế, trang trí khá hài hoà và ăn nhập với màu sắc và cảnh quan của khu vực. Gần như công trình không có lỗi thiết kế, không bị lạc lõng và kỳ dị. Nó xứng đáng là điểm đến, là nơi check in rất đáng chú ý tại Ninh Bình. Vì công trình có tính thẩm mỹ và đòi hỏi công sức đầu tư rất lớn nên tôi ngờ rằng, hồ sơ thiết kế của nó hẳn còn được “ai đó” xem qua. (Cầu trời cho tôi sai).
Thực ra những năm gần đây, chuyện xây những công trình không phép rất đồ sộ, hoành tráng đâu chỉ có ở Ninh Bình. Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Yên Bái, Phú Thọ hay bất kỳ tỉnh, thành nào cũng đều có thể bắt gặp. Một ngôi biệt thự, một quần thể du lịch sinh thái... tất cả đều có thể mọc lên uy nghi trên đất rừng, đất nông nghiệp. Chỉ duy nhất dân thường xây không phép thì sẽ khó khăn hơn.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận