Quản lý

Không biến bến xe thành cao ốc

09/05/2018, 08:01

Hà Nội đang hoàn thiện Đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn...

9

Tòa chung cư 35 tầng xây trên nền bến xe Hà Đông cũ tại 143 Trần Phú, quận Hà Đông - Ảnh: Ngọc Ánh

Bến xe thành bãi đỗ, điểm trung chuyển xe buýt

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình UBND thành phố phê duyệt, 4 bến xe khách liên tỉnh hiện có (trong khu vực đường vành đai 3) được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô như hiện nay.

Cụ thể, bến xe liên tỉnh Gia Lâm (diện tích 1,45ha) dự kiến sau năm 2020 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi). 

Bến xe khách Mỹ Đình (diện tích 3,5ha) dự kiến sau năm 2025 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Mỹ Đình sẽ được chuyển về bến xe Cổ Bi, Nội Bài, Phùng và bến xe phía Tây. 

Bến xe khách Giáp Bát (diện tích 3,65ha) dự kiến sau năm 2020 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Giáp Bát sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Yên Nghĩa và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi). 

Bến xe Nước Ngầm sẽ được nâng cấp cải tạo trong giai đoạn trước mắt, dự kiến sau năm 2025, khi xây dựng mới bến xe phía Nam thì chuyển thành đầu mối giao thông công cộng. Các tuyến của bến xe Nước Ngầm sẽ được chuyển về bến xe Cổ Bi và bến xe phía Nam.

E ngại đất bến xe trở thành chung cư, cao ốc

Liên quan đến kế hoạch chuyển đổi công năng bến xe với mục đích giảm áp lực và ùn tắc giao thông cho các tuyến đường nội đô và cửa ngõ, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại tình trạng “có mới không chịu trả cũ”, sau khi di chuyển bến xe, những khu đất vàng này lại bị sử dụng vào mục đích khác, không đúng như quy hoạch. Những e ngại này không phải là không có cơ sở khi Hà Nội đã từng có nhiều tiền lệ về chuyện nhiều đơn vị di dời sang trụ sở mới nhưng vẫn kiên quyết “ôm” trụ sở cũ.

Theo ông Đào Việt Long, để thay thế 4 bến xe chuyển đổi, di dời, Hà Nội sẽ xây mới bến xe liên tỉnh phía Bắc - Bến xe Nội Bài (vị trí giao giữa đường Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Bắc Thăng Long - Nội Bài, giáp tuyến đường sắt đô thị số 6); BX khách Đông Anh (nằm tại điểm giao cắt QL3 với đường vành đai 3, giáp tuyến đường sắt đô thị số 4); BX Cổ Bi (nằm tại vị trí kẹp giữa đường sắt vành đai và QL5 thuộc xã Cổ Bi, giáp tuyến đường sắt đô thị số 1); BX khách phía Nam (đề xuất tại phía Nam Khu công nghiệp Ngọc Hồi, phía Đông ga Ngọc Hồi), bảo đảm kết nối thuận lợi với tuyến đường sắt đô thị số 1; BX khách Yên Nghĩa (BX hiện có); BX khách liên tỉnh phía Tây (nằm cạnh nút giao vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long, giáp tuyến đường sắt đô thị số 5); BX khách liên tỉnh Phùng (nằm sát vị trí giao giữa QL32 và đường vành đai 4, giáp tuyến đường sắt đô thị số 3)...

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên trường Đại học GTVT cho rằng, trước tình hình ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng tại Hà Nội đã có chủ trương di dời nhiều bến xe. Vấn đề đặt ra là sau khi bến xe chuyển đi, cao ốc lại mọc lên thì áp lực giao thông cho thành phố có giảm? Đơn cử như trường hợp bến xe Hà Đông sau khi di dời lại nhanh chóng trở thành dự án chung cư, cao ốc.

“Rõ ràng Hà Nội sai ngay từ khâu quy hoạch. Quy hoạch không đúng nên cứ phải quy hoạch đi, quy hoạch lại nhưng vẫn sai. Cho cao ốc mọc lên ùn tắc lại hoàn ùn tắc. Hà Nội đang tạo “mọi điều kiện thuận lợi nhất để xây cao ốc, chung cư” nhưng quên các bãi xe tĩnh còn đang thiếu trầm trọng”, TS. Thủy nói và dẫn chứng đường Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Lê Trọng Tấn và một số tuyến đường thuộc quận Hoàng Mai đang được xây dựng chung cư một cách ồ ạt. Hệ quả là các khu vực này cũng đã phải đối mặt với ùn tắc.

“Hà Nội cần quy hoạch cho đúng, tránh tình trạng 4 bến xe lớn lại trở thành “miếng mồi ngon” cho các “ông lớn” chung cư, cao ốc”, bà Thủy nói.

Về vấn đề này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Hà Nội đang hoàn thiện Đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  4 bến xe lớn như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ được quy hoạch thành bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt nhằm mục tiêu phát triển vận tải công cộng, giúp giảm áp lực giao thông trong thành phố. “Đến thời điểm này, đồ án trên đã được Sở GTVT báo cáo UBND thành phố 3 lần. Các nội dung trong đồ án cũng được hội đồng thẩm định thành phố cho ý kiến, hoàn chỉnh dự kiến sẽ phê duyệt trong quý II/2018”, ông Long cho hay

“Giai đoạn trước mắt khi chưa kịp đầu tư các bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch, đối với những khu vực bức xúc, thiếu bãi đỗ xe vẫn tạm thời duy trì một số điểm trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân. Về lâu dài, các điểm đỗ xe tạm thời sẽ được thay thế bằng các bãi đỗ xe tập trung phù hợp với quy hoạch”, ông Long khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.