Giao thông

Không có chuyện Bộ GTVT quy định khoảng cách trạm BOT

18/05/2018, 06:50

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ông yêu cầu Tổng cục Đường bộ phải kiểm điểm trách nhiệm.

5

Thông tư 49 không quy định khoảng cách đặt trạm thu giá mà chỉ quy định hoạt động của trạm - Ảnh: K.Linh

Thông tư 49 không có quy định về khoảng cách trạm thu giá BOT

Tại cuộc họp sửa đổi Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức hoạt động trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ được Bộ GTVT tổ chức chiều qua (17/5), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "trong Thông tư 49 không có quy định về khoảng cách trạm thu giá BOT mà được quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Dự thảo sửa đổi Thông tư 49 không liên quan đến khoảng cách trạm thu giá".

“Tôi ngạc nhiên khi dư luận thời gian qua cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 49 của Bộ GTVT bỏ khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm là 70km. Thực tế Bộ GTVT không có chủ trương quy định cự ly giữa các trạm thu giá, Thông tư 49 chỉ quy định hoạt động của trạm thu giá”, Bộ trưởng nói và yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN trả lời: “Bộ GTVT không chỉ đạo đưa nội dung này vào dự thảo Thông tư, vậy vì lý do gì mà Tổng cục Đường bộ VN lại đưa nội dung này vào dự thảo, gây nên sự hiểu lầm trong dư luận xã hội rằng Bộ GTVT quay lại mở rộng và lập trạm trên đường cũ?”.

"Chủ trương của Bộ GTVT sau này chỉ làm đường cao tốc song hành với quốc lộ và sẽ được thu phí kín. Bộ GTVT sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không triển khai dự án BOT thu phí trên đường hiện hữu. Điều này sẽ giải quyết được căn cơ yêu cầu của người dân, tạo điều kiện cho người dân có sự lựa chọn. Nghị quyết của Quốc hội là cơ hội tốt để ngành giao thông phát triển hệ thống đường cao tốc."

Bộ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Văn Thể

“Tinh thần nhất quán của Bộ GTVT là khi ban hành Thông tư, nếu phát sinh thêm thủ tục hành chính thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm. Chất lượng dự thảo đưa ra bị dư luận phản ứng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Việc này cũng phải có người chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định về khoảng cách giữa các trạm là 70km, trong trường hợp dưới khoảng cách này phải có thỏa thuận của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính. “Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu không làm BOT trên đường độc đạo, đường cũ nên quy định khoảng cách không còn ý nghĩa. Bộ GTVT sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo này và chỉ xây dựng dự án BOT trên các tuyến đường mới để cho người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn”, Bộ trưởng khẳng định.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục Đường bộ VN thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá đường bộ. Việc đưa quy định khoảng cách 70km vào dự thảo lần 1 là trên cơ sở nhắc lại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.

Không đồng tình với cách trả lời này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý: Thủ tướng chỉ chỉ đạo Bộ GTVT thì Bộ có chỉ đạo Tổng cục nội dung này hay không? Bộ không chỉ đạo, tại sao Tổng cục lại đưa quy định này vào?

Ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho biết thêm: Dự thảo sửa đổi Thông tư 49 của Bộ GTVT lần 1 của Tổng cục Đường bộ có tổng hợp lại hoạt động các trạm thu giá thời gian qua, trong đó có quy định khoảng cách 70km. Nhưng từ khi thực hiện Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định khoảng cách giữa 2 trạm thu giá không còn phù hợp nên Ban soạn thảo bỏ quy định này trong dự thảo lần 2.

Phải kiểm điểm trách nhiệm

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, các dự án BOT sẽ được ứng dụng thu giá không dừng, giúp cho dòng xe lưu thông nhanh hơn, tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hình thức này sẽ giúp giám sát thu giá BOT công khai, minh bạch, người dân giám sát được việc thu giá của nhà đầu tư, tránh tình trạng mập mờ trong thu giá. Các dự án sẽ được thu phí kín, không còn thu phí hở như hiện nay.

“Các vị trí ra vào đường cao tốc sẽ căn cứ vào địa hình và nhu cầu của từng địa phương. Việc kết nối đường cao tốc với các đô thị là cần thiết, giúp giảm chi phí cho người dân. Do vậy, vị trí trạm thu giá sẽ được đặt phù hợp với yêu cầu của địa phương, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch sẽ được ưu tiên. Vị trí cụ thể sẽ có sự thống nhất giữa Bộ GTVT và chính quyền địa phương”, Bộ trưởng nói.

“Thông tư 49 cần cập nhật những yêu cầu mới để ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư dự án BOT sớm quyết toán, chuẩn bị các điều kiện để thu giá tự động không dừng, xử lý nhà đầu tư không sửa chữa hư hỏng đường kịp thời, để nhà đầu tư quản lý công trình đảm bảo ATGT. Cần rà soát để đưa những nội dung mới vào Thông tư”, Bộ trưởng chỉ đạo. 

Liên quan đến dự thảo Thông tư 49, Bộ trưởng cho rằng, tổ soạn thảo của Tổng cục Đường bộ không hiểu rõ bản chất sự việc. Do đó, trong quá trình thực hiện đã xảy ra sai sót không đáng có, dẫn đến phản ứng của dư luận, không trực diện giải thích với dư luận, không cung cấp thông tin đầy đủ, nhất là lý do vì sao dự thảo lần 1 có đưa quy định về khoảng cách đặt trạm nhưng dự thảo lần 2 lại bỏ ra.

“Khi đã có Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không cần thiết phải quy định khoảng cách, đáng lẽ phải giải trình ngay với Chính phủ và dư luận về việc không đưa nội dung này vào dự thảo Thông tư”, Bộ trưởng nói và chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN kiểm điểm trách nhiệm tổ soạn thảo và báo cáo kết quả về Bộ GTVT. Mặc dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng gây dư luận không tốt, khiến một bộ phận người dân hiểu sai.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tham gia xây dựng Thông tư nâng cao tinh thần trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong xây dựng Thông tư, Nghị định sau tốt hơn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.