Voọc chà vá chân nâu tuyệt đẹp trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: GreenViet |
Không có Sơn Trà, Đà Nẵng chỉ thông thường là có biển
Tiến sĩ Đặng Trung Phước hiện là Chủ tịch Hội bảo tồn sinh vật đa dạng thế giới, kiêm Chủ tịch HĐQT Hiệp hội Canada Việt Nam. Trong bức thư gửi đi ngày 2/6, Tiến sĩ Phước đưa ra nhiều luận điểm ở khía cạnh đa dạng sinh học để góp thêm tiếng nói nhằm giải cứu bán đảo Sơn Trà trước nguy cơ bê tông hóa.
Theo Tiến sĩ Phước, voọc chà vá chân nâu là động vật rất duy biệt, đẹp nhất trong các loài linh trưởng, có một không hai trên toàn thế giới, đang sống đơn trọi trên bán đảo Sơn Trà, hoàn toàn cách biệt với các hệ sinh thái khác trong đất liền. Đàn voọc này là điểm nóng du lịch chính yếu thứ nhất.
Nguy cơ tuyệt chủng của voọc chà vá chân nâu mà cả thế giới rất quan tâm và Việt Nam đang bảo vệ là điểm nóng du lịch thứ 2. Hệ sinh thái hoang sơ trên đất liền cũng như dưới biển và sự phong phú của đa dạng động thực vật của Sơn Trà thể hiện 1 sinh cảnh quan đặc thù của Đà Nẵng, đây là điểm nóng du lịch thứ 3.
Vị trí địa dư khá biệt lập của bất cứ bán đảo nào có tầm cỡ như Sơn Trà đều có 1 sự hấp dẫn cho những nơi nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khu nghỉ dưỡng chỉ phục vụ cho một số ít người, nó không có khả năng trở thành 1 điểm nóng thu hút du lịch đại chúng. Do đó, vị trí địa dư và những khu nghỉ dưỡng chỉ là thứ yếu, không là 1 bản sắc đặc thù du lịch.
“Bán đảo Sơn Trà với 3 điểm trên là những đặc thù không thể thiếu của TP Đà Nẵng. Không có Sơn Trà đầy bản sắc, Đà Nẵng chỉ là một trong những thành phố ven biển thông thường của Việt Nam”, Tiến sĩ Phước nhấn mạnh.
Sơn Trà trước nguy cơ bê tông hóa. Trong ảnh: 40 móng biệt thự không phép cày nát một góc Sơn Trà. Ảnh: Tấn Việt |
Theo Tiến sĩ Phước, phát triển du lịch quốc gia trên bán đảo Sơn Trà không nhất thiết phải xây khu nghỉ dưỡng, khách sạn, chợ búa tại Sơn Trà, nhất là diện tích rừng sinh thái của bán đảo không những rất nhỏ hẹp mà còn hoàn toàn cách biệt với các hệ sinh thái trong đất liền. Điều này cho thấy hệ sinh thái đặc thù của Sơn Trà rất mỏng manh, chỉ vừa đủ để tự tồn tại và cũng chỉ vừa đủ để bảo tồn những điểm nóng du lịch đang hiện có trên Sơn Trà.
Phương cách quy hoạch Sơn Trà hiện tại theo lối “phát triển du lịch, đồng thời hủy hoại bản sắc thu hút du lịch đặc thù của Sơn Trà” là không thuận lý. Chính vì điều này người dân trong và ngoài nước đã bày tỏ sự không đồng thuận.
“Chúng tôi, những chuyên gia khoa học với nhận thức sâu về tầm quan trọng cột trụ của hệ sinh thái, môi trường và sự đa dạng sinh vật trong sự sống trên trái đất, rất hoang nghênh Thủ tướng đã đề nghị duyệt lại quy hoạch Sơn Trà vì sự không đồng thuận của người dân và cũng vì bản sắc sinh thái đặc thù cao độ của bán đảo này”, bức thư nêu.
Sơn Trà là của mọi người dân Đà Nẵng
Thay mặt Hiệp hội Bảo tồn sinh vật đa dạng thế giới và Hiệp hội Canada Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Trung Phước cho rằng: “Sơn Trà trong trạng thái nguyên sơ luôn luôn là của tất cả mọi người dân Đà Nẵng và hơn 90 triệu người Việt Nam. Những khu nghỉ dưỡng không những không tạo nên bản sắc du lịch mà còn hủy hoại những điểm thu hút du lịch của Sơn Trà. Đây là điều không thuận lý nhất, cần phải cẩn trọng lưu ý trong quy hoạch”.
Voọc chà vá chân nâu là sự khác biệt, thu hút hàng triệu người đến với Sơn Trà. Ảnh: GreenViet |
Theo đó, phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà nên tập trung vào mô hình du lịch tham quan có tổ chức để bảo vệ toàn vẹn Sơn Trà. Sử dụng đàn voọc chà vá chân nâu, có nguy cơ tuyệt chủng đang được bảo vệ làm điểm nhấn, sẽ thu hút hàng triệu triệu người đến thăm và tham quan. Voọc chà vá chân nâu sẽ được giải nguy và trở thành động vật biểu tượng của Sơn Trà Đà Nẵng và Việt Nam. Đây là lối quảng bá du lịch quốc gia một cách tuyệt mỹ, đồng thời quảng bá bản sắc nhân văn, nhân bản của Việt Nam trong việc bảo tồn các sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Dịch vụ du lịch tham quan sẽ tạo nên lợi nhuận gấp nhiều lần so với những khu nghỉ dưỡng, góp phần vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho người dân.
“Sơn Trà sẽ mãi mãi giữ được cái nguyên sơ của tự nhiên, một bản sắc ngày càng hiếm tại Việt Nam. Do đó, Sơn Trà đáng được gọi là hòn ngọc xanh của Đà Nẵng và nên được bảo tồn như một rừng quốc gia”, kết thư.
Nói về bảo tồn voọc chà vá chân nâu, Tiến sĩ Đặng Trung Phước nêu ví dụ: Trung Quốc đã và đang sử dụng gấu trúc Panda làm điểm nhấn để thu hút du lịch rất thành công. Gấu Panda đã từng phải trải qua một thời bị đe dọa tuyệt chủng, và nó đã được giải nguy. Ngày nay, khi nói đến gấu Panda ai ai cũng liên tưởng đến Trung Quốc. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận