Áp dụng thu phí tự động không dừng sẽ minh bạch trong thu phí và tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông(Trong ảnh: Trạm thu phí BOT Toàn Mỹ 14 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: Ngọc Hùng |
Theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo Bộ GTVT, không để tình trạng độc quyền trong việc chọn nhà đầu tư thu phí không dừng. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ ban hành các tiêu chuẩn về công nghệ và sẽ lựa chọn nhà cung cấp với giá dịch vụ hợp lý nhất.
Doanh nghiệp mong được lựa chọn
Dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 28 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên do liên danh Tasco - VETC được chỉ định làm nhà đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.500 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư được phép thu hồi vốn trong 20 năm (dự kiến hợp đồng) theo thời gian thu phí các dự án BOT. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tới 13 nhà đầu tư chưa ký phụ lục hợp đồng. Giải thích về lý do này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, chi phí quản lý thu phí mà Tasco được thu 8 - 10% doanh thu thu phí của doanh nghiệp BOT là quá cao. Mức thu này cao hơn cả thu phí thủ công.
Ông Bùi Quốc Quyền, Tổng giám đốc Công ty BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp cho rằng: “Hiện, chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là công ty cung cấp dịch vụ thu phí không dừng VETC. Chúng tôi đã làm việc với nhiều nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng khác cả trong và ngoài nước, họ chào giá dịch vụ cạnh tranh hơn. Trong khi chi phí quản lý thu phí theo hợp đồng BOT là 4% doanh thu nhưng VETC đưa ra với mức rất cao là 8%”, ông Quyền nói, đồng thời cho biết, nếu lựa chọn VETC đơn vị sẽ phải bỏ tiền túi ra để bù. “Cần để nhà đầu tư BOT được quyền lựa chọn. Về vấn đề kết nối, đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cam kết sẽ kết nối được hệ thống chung”, ông Quyền nói thêm.
Liên quan đến vấn đề triển khai thu phí không dừng, tại cuộc họp của Ban Cán sự mới đây, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu thực hiện 2 nguyên tắc: Không được vượt quá chi phí thu phí hiện nay của các nhà đầu tư BOT và không giới hạn nhà cung cấp dịch vụ. “Chúng ta đã thống nhất tiêu chuẩn, các nhà đầu tư sau phải theo tiêu chuẩn đó để đảm bảo sự đồng bộ trên toàn quốc”, Bộ trưởng nói. |
Cùng quan điểm, ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Công ty Phước Tượng - Phú Gia BOT, nhà đầu tư Dự án BOT hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia cho biết, Tasco đưa ra đơn giá dịch vụ rất cao lên tới 8% doanh thu thu phí. So với Vietinbank chỉ có 3% thì mức giá của Tasco cao hơn rất nhiều. Điều này là do Tasco phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống phụ trợ (backend), còn Vietinbank đã có sẵn hệ thống này. Chủ trương là nhà đầu tư BOT có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, nhưng thật ra lại không có quyền gì cả vì chỉ có mình Tasco được phép cung cấp dịch vụ này.
“Phương án của Tasco được tính là từ năm thứ 4 đến năm thứ 8, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 8% tổng doanh thu của trạm. Từ năm thứ 9 - 13, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 9% tổng doanh thu và từ năm thứ 14 trở đi, bằng 10% tổng doanh thu trạm, cứ thế nhân lên đến hết vòng đời của dự án sẽ chênh cao hơn so với phương án đàm phán với Vietinbank lên tới 350 tỷ đồng”, ông Hưng phân tích.
Trao đổi với Báo Giao thông sáng 16/4, ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP VETC (Tasco) - nhà đầu tư và vận hành hệ thống ETC cho biết, cách thức duyệt dự án BOO giống như dự án BOT, nghĩa là nhà đầu tư BOT được hưởng 11,5% trên vốn chủ sở hữu hàng năm. Chúng tôi cũng chỉ được hưởng 11,5% lợi nhuận hàng năm trên vốn chủ sở hữu và không có khoản nào khác.
Theo ông Lâm, mức phí mà nhà đầu tư BOT trả cho VETC 3%, 5% hay 7% là do Bộ GTVT quyết định. Điều này cũng giống như giá vé cầu đường, giảm giá vé thì tăng thời gian thu phí và ngược lại. Không phải VETC được hưởng mức phí 8% thì muốn làm thế nào cũng được. “Tasco hiện cũng là nhà đầu tư của 6 dự án BOT nên chúng tôi hiểu cơ chế vận hành, phương án tài chính của loại dự án này. Chi phí vận hành tổ chức thu phí hàng năm, Bộ GTVT duyệt cho chúng tôi có dự án 3%, 5%, có dự án 7% nhưng không có nghĩa là chúng tôi được hưởng hết chi phí này mà hàng năm phải lập dự toán trình Bộ GTVT để được duyệt. Mức phí này không phải do Tasco đặt ra, mà phải được Bộ GTVT phê duyệt và trước khi duyệt Bộ cũng đã nhiều lần xin ý kiến của Bộ Tài chính về cách tính cũng như mức phí”, ông Lâm nói.
Hiện, với hơn 70 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, không chỉ Tasco - VETC, một số nhà đầu tư cũng đang có ý định nhảy vào thị trường tiềm năng này, trong đó có nhiều ông lớn như: Vietinbank, Viettel, VNPT, FPT...
Với hơn 70 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, nhiều ông lớn như: Vietinbank, Viettel, VNPT, FPT...cũng đang có ý định nhảy vào thị trường tiềm năng này (Trong ảnh: Trạm thu phí Tào Xuyên) - Ảnh: Tạ Tôn |
Vẫn rộng cửa với nhà đầu tư thu phí không dừng
Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ công nghệ, chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giải pháp giao thông, Tập đoàn Viettel cho rằng, về phía quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã đưa ra công nghệ tiêu chuẩn RFID theo công nghệ Mỹ thì cần tạo sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp khác. “Cần chống độc quyền về mặt kỹ thuật và giá. Quan trọng nhất là đưa ra một khung tiêu chuẩn chung cho các đơn vị để đáp ứng, từng trạm tự đầu tư và kết nối vào hệ thống chung không khó. Việc chỉ định một nhà đầu tư sẽ gây cạnh tranh không lành mạnh về giá. Ngoài ra, việc áp đặt cứng công nghệ Mỹ hay Đài Loan, sử dụng các chuyên gia nước ngoài cũng khiến giá thành đội lên. Trên cơ sở phần mềm đó, các công ty của Việt Nam hoàn toàn có thể giao cho kỹ sư phần mềm trong nước viết, giá thành sẽ rẻ hơn. Việc duy tu, bảo dưỡng được thực hiện tại chỗ sẽ giảm giá thành đầu tư”, ông Dũng nói.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải áp dụng thu phí tự động trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đối với trạm thu được xây dựng sau ngày 1/1/2019, nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu ngay sau khi được nghiệm thu. Việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải áp dụng thu theo hình thức điện tử tự động không dừng. |
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần thực hiện đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư tốt nhất. Làm như vậy, mới công khai, minh bạch. Việc tổ chức thu phí cũng là chi phí đầu tư dự án. Nếu chọn được nhà cung cấp dịch vụ hợp lý, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn sẽ giảm được chi phí giá thành, làm giảm mức phí, Nhà nước dễ quản lý và người dân lưu thông được thuận tiện hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, chủ trương của Bộ là không cho áp dụng công nghệ OBU vì nó đã quá lạc hậu nên phải chuyển sang công nghệ RFID tiên tiến hơn. Mới đây, Viettin (liên danh giữa Công ty CP Đèo Cả và Ngân hàng VietinBank) cũng xin được đầu tư dự án BOO xây dựng hệ thống thu phí không dừng bằng công nghệ này. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm đơn vị này chưa hoàn thành thủ tục để Thủ tướng có quyết định phê duyệt cho đơn vị này được đầu tư theo hình thức BOO.
“Bộ GTVT luôn mở rộng cửa đối với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đủ điều kiện. Đơn vị nào cung cấp cũng được nhưng phải đàm phán giá dịch vụ thấp nhất và phải kết nối liên thông. Bộ không bắt buộc phải ký với nhà cung cấp dịch vụ nào. Tasco cũng chỉ là nhà cung cấp dịch vụ vì đơn vị này đã có đầy đủ tính pháp lý để triển khai. Vì vậy, các nhà đầu tư và Tasco cần phải bàn bạc thống nhất để có tiếng nói chung, đạt được mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận