Giao thông

Không để dự án thu phí xong mà chưa quyết toán

04/08/2016, 05:59

Đây là chỉ đạo của Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa.

7

Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang - Ảnh: Tạ Tôn

Báo cáo lãnh đạo Bộ về công tác quyết toán 2 tuần/lần

Báo cáo Ban Cán sự, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết 7 tháng đầu năm, với các dự án vốn ngân sách Nhà nước (NSNN), các đơn vị đã lập, trình quyết toán 471/642 dự án, đạt 73% kế hoạch 7 tháng và 61% kế hoạch năm. Cũng trong 7 tháng đầu năm, các đơn vị đã hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 443 dự án, đạt 62% kế hoạch năm.

Đối với với các dự án BOT, ông Quốc cho biết hiện có 44 dự án BOT hoàn thành, được thu phí và một dự án BT hoàn thành. Trong số 18 dự án hoàn thành trước năm 2014 vẫn còn ba dự án chưa trình quyết toán. Với 27 dự án hoàn thành sau năm 2014, ông Quốc cho biết, vẫn còn tới 23 dự án chưa trình quyết toán.

Được biết, ngay trong sáng nay (4/8), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa sẽ có buổi làm việc cụ thể về giải ngân các dự án vốn TPCP. “Họp Chính phủ, nói đến giải ngân, thanh toán, tôi rất xấu hổ. Giải ngân vốn TPCP của Bộ GTVT chỉ đạt 8,3%, thua cả Bộ Y tế (18%)”, Bộ trưởng bức xúc. Với các dự án vốn ODA, Bộ trưởng yêu cầu Vụ KH&ĐT cần có báo cáo cụ thể, làm rõ vấn đề giải ngân và khả năng thu xếp vốn của năm nay.

Khẳng định quyết toán dự án hoàn thành là yêu cầu bắt buộc của công tác quản lý dự án, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư XDCB, ông Quốc cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Bộ GTVT đã ký 43 văn bản đôn đốc và hướng dẫn công tác quyết toán, đồng thời lấy kết quả quyết toán theo kế hoạch giao làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và thủ trưởng đơn vị. Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho rằng, một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác quyết toán. Việc hoàn thiện các thủ tục trình duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán còn chậm, nhất là hoàn thiện hồ sơ hoàn công của một số dự án BOT. Công tác quyết toán chi phí GPMB, xử lý kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán kéo dài”.

Chỉ đạo công tác quan trọng này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là tổng mức đầu tư của các dự án. Mà tổng mức đầu tư như thế nào phụ thuộc vào quyết toán.

“Quyết toán dự án là công tác quan trọng, phải được báo cáo tại các buổi họp thường kỳ của Ban Cán sự cũng như báo cáo lên lãnh đạo Bộ 2 lần/tuần”, Bộ trưởng yêu cầu và cho biết thêm, tại kỳ họp Ban Cán sự lần tới sẽ tiến hành xếp hạng các Ban QLDA và các đơn vị, làm rõ tình hình triển khai thực hiện quyết toán, xem xét xem có giao thêm nhiệm vụ nữa không.

Riêng với các dự án BOT, Bộ trưởng yêu cầu cần có cam kết về việc thực hiện quyết toán và có chế tài thích đáng với các đơn vị không hoàn thành. “Cần có một báo cáo chính xác về tình trạng quyết toán của dự án”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, đã báo cáo Chính phủ cho phép Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh công tác quyết toán dự án, trong đó có việc phải quyết toán xong mới thu phí. Tuyệt đối không để tình trạng thu phí xong xuôi rồi mà vẫn không quyết toán được.

Giải ngân vốn còn quá thấp

Liên quan đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo Ban Cán sự, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT Nguyễn Hoằng cho biết: “Năm 2016, nguồn vốn bố trí cho các dự án ODA và các dự án giao thông trong nước được giao rất thấp so với nhu cầu. Trong đó, đặc biệt nguồn vốn đối ứng được giao quá thấp; một số dự án quan trọng, cấp bách thậm chí chưa được giao kế hoạch vốn đối ứng như: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng… gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện của các dự án, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại từ người dân trong công tác GPMB và từ các nhà thầu, tư vấn do thanh toán chậm.

Với các dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP), ông Hoằng cho biết, vốn đã được giao đúng kế hoạch, thậm chí một số dự án dư vốn, đang làm thủ tục xin sử dụng vốn dư, điều hòa kế hoạch vốn giai đoạn nên chưa thể giải ngân ngay. Do vậy, số vốn TPCP đã được giao lớn hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2016.

Thống kê cho thấy, đến hết tháng 7, các nguồn vốn NSNN và TPCP đã giải ngân được hơn 14 nghìn tỷ đồng trên tổng số hơn 45,5 nghìn tỷ đồng kế hoạch được giao, đạt 31% so với kế hoạch 2016. (7 tháng đầu năm chủ yếu giải ngân từ kế hoạch 2016, phần kế hoạch 2015 kéo dài mới được phép giải ngân từ tháng 6/2016).

Đánh giá kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm, ông Hoằng khẳng định, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 của Bộ GTVT đạt rất thấp, đặc biệt nguồn vốn TPCP. Để kịp thời khắc phục, ông Hoằng đề xuất một loạt giải pháp trong đó có đẩy nhanh việc đền bù, GPMB, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, ông Hoằng đề nghị, cần khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu. Với dự án sắp hoàn thành, phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho các nhà thầu; Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết loại các nhà thầu không có năng lực đã vi phạm.

Đặc biệt, ông Hoằng đề xuất với kế hoạch vốn năm 2015 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2016 nhưng đến 31/12/2016 vẫn không giải ngân hết số vốn kéo dài này, nếu không có lý do khách quan cụ thể sẽ kiên quyết cắt giảm số vốn không giải ngân hết để điều chuyển, bổ sung thanh toán nợ đọng XDCB và thu hồi vốn ứng trước chưa có nguồn để thu hồi. Đối với các dự án tính đến ngày 30/9 giải ngân dưới 30% kế hoạch năm 2016 đã được giao sẽ không được bố trí kế hoạch năm 2017. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.