Thời sự

Không giám sát chồng chéo, tổ chức đoàn rình rang

21/12/2016, 07:04

Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên quan hoạt động giám sát.

9

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Ngày 20/12, tiếp tục phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát.

Đi giám sát phải gọn nhẹ

Cho ý kiến về nội dung này, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lưu ý việc giám sát ở đây là giám sát việc thực hiện cơ chế chính sách, khác hoàn toàn với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Theo tính toán của ông Hiển, một năm ít nhất có hai cuộc giám sát chuyên đề của QH, hai cuộc giám sát của Ủy ban TVQH, các ủy ban cũng có ít nhất hai cuộc giám sát nữa nên tổng số cuộc giám sát tương đối lớn.

“Có nơi phản ánh một năm có quá nhiều đoàn giám sát xuống, đoàn này chưa đi đoàn khác đã dập dìu tới, rồi lại tiếp bao nhiêu đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Vì vậy, phải có cách bố trí cho hài hoà, thông cảm cho các bộ, ngành, địa phương”, ông Hiển dẫn chứng và cho rằng nên tính toán để mỗi năm một địa phương tối đa tiếp 2-3 đoàn giám sát, khi đi phải tổ chức gọn nhẹ, không băng rôn khẩu hiệu, làm việc theo hướng đi vào chiều sâu. “Về hậu giám sát, nếu ai thực hiện không nghiêm thì dứt khoát QH phải có biện pháp cương quyết”, ông Hiển đề nghị.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng lưu ý, trong quá trình làm việc, các đoàn giám sát phải tránh phiền hà cho các địa phương, tránh chồng chéo, trùng lắp, nếu “đoàn này đang làm mà đoàn khác đến thì làm rất khó”.

Trong khi đó, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu thực tế vừa qua có đoàn giám sát đi khiêm tốn, nhưng cũng có đoàn “rình rang”, đi giám sát tới 34 tỉnh, 16- 17 bộ ngành, rất hoành tráng nhưng kết quả cuối cùng thì lại... giống nhau. Vì thế, Tổng Thư ký QH muốn có quy định số lượng tương đối của đoàn giám sát trong quy chế để đảm bảo tiết kiệm. Bởi thực tế khi đoàn giám sát đi, mỗi Bộ có một thứ trưởng đi cùng, mỗi thứ trưởng lại đi xe riêng chứ không đi cùng xe chung nên khiến đoàn công tác đi rất đông, thậm chí dẫn đến phản cảm.

Rà soát lại quy định lấy phiếu tín nhiệm

Đề cập đến hoạt động chất vấn, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhắc lại quy định người bị chất vấn không được uỷ quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. Ví dụ, trong một kỳ họp mà Thủ tướng ngồi đó nhưng không trả lời chất vấn lại uỷ quyền cho Phó thủ tướng trả lời là không được. Trừ khi Thủ tướng đi công tác nước ngoài hay vì lý do nào đó không có mặt trong kỳ họp thì Phó thủ tướng mới trả lời thay.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nên có quy định linh hoạt trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ như khi Thủ tướng đi dự hội nghị quan trọng ở nước ngoài hay đi chỉ đạo vấn đề quan trọng nào đó thì có thể đồng ý cho uỷ quyền trả lời chất vấn thay. Chủ tịch QH cũng đề nghị bổ sung quy định về hậu giám sát, hậu chất vấn. Theo Chủ tịch QH, các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn đã hứa trả lời bằng văn bản thì trong kỳ họp phải trả lời ngay chứ không thể nửa tháng sau mới trả lời.

Đề cập đến hoạt động giám sát tối cao là lấy phiếu tín nhiệm, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng bày tỏ băn khoăn khi chưa ai đặt vấn đề về việc này, trong khi những yêu cầu về việc này cần phải được quy định rất chặt chẽ. Bà Phóng cho rằng, Ủy ban TVQH nên có chủ trương rà soát lại quy chế trước đây đã quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bởi thực tế vừa qua, việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy còn nhiều vấn đề cần quy định rõ như yêu cầu kê khai tài sản, gửi hồ sơ, báo cáo...

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến này để bổ sung, hoàn thiện. Theo thống nhất của các đại biểu, sau khi tiếp thu các ý kiến, Quy chế này sẽ được trình Uỷ ban TVQH xem xét thông qua tại phiên họp sau.

Nhắc nhở các Bộ, ngành được mời nhưng vắng họp

Dù đã rất nhiều lần Ủy ban TVQH nhắc nhở, phê bình đại diện các đơn vị, bộ, ngành được mời tham dự họp để đóng góp ý kiến nhưng vắng mặt, tuy nhiên, tình trạng này tiếp tục lặp lại tại phiên họp thứ năm. Trong sáng 20/12, bàn về quy chế của hoạt động giám sát, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam… là những đơn vị được mời đến dự nhưng tất cả đều vắng mặt. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng băn khoăn khi phiên họp bàn về giám sát mà các đối tượng của giám sát lại... chẳng có ai dự. Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng bày tỏ thái độ không hài lòng về việc này và đề nghị Văn phòng QH ở mỗi phiên họp phải kiểm tra các thành phần đã mời, nếu ai không đến thì phải nhắc nhở chứ không phải mời rồi thích thì đến, không thích thì thôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.