Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp |
Đồng tình với quan điểm Chính phủ cần có báo cáo riêng về sự cố môi trường Formosa và tình hình biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không né tránh những vấn đề nóng bỏng, ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước.
Báo cáo đầy đủ những vấn đề Quốc hội cần phải biết
Tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9, các ĐB thảo luận và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 20/10).
Cho rằng sự cố môi trường do Formosa gây ra là vấn đề lớn khiến nhân dân và dư luận rất bức xúc, bên cạnh đó, tình hình biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực cũng là một vấn đề nóng bỏng, nên đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có báo cáo riêng gửi Quốc hội về hai nội dung này.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, báo cáo cần tập trung xem khắc phục sự cố môi trường liên quan đến Formosa như thế nào. Ông Chiến cũng đề nghị có báo cáo riêng về tình hình biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài thường trực, trong đó đề nghị báo cáo rõ về phản ứng của các nước cũng như chủ trương, giải pháp của Việt Nam.
Cũng đồng tình cần có báo cáo riêng về Formosa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết: “Đến nay, Thường vụ Quốc hội vẫn chưa hình dung tiền bồi thường của Formosa sẽ được sử dụng thế nào. Dân hỏi thì chúng ta lại lúng túng. Chính phủ nên báo cáo công khai càng sớm càng tốt”, ông Hải đề nghị.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí việc phải có báo cáo riêng về Formosa và tình hình biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực, trong đó phải báo cáo đầy đủ các vấn đề mà Quốc hội cần phải biết. “Giờ chúng ta không tránh né nữa, Quốc hội cần phải biết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đất nước, ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thất thoát vụ Phạm Công Danh đủ miễn thuế 300 năm
Cùng ngày, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần “khoan thư sức dân”. Mặt khác, số thuế được miễn chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách.
Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, thu nhập nông dân rất thấp, giá thành sản phẩm bấp bênh ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân nên việc có chính sách ưu đãi là điều rất tốt.
“Tôi tính 34 tỷ đồng tiền thuế nếu có thu của nông dân mà đem so sánh với số tiền thất thoát trong đại án Phạm Công Danh là hơn 9.000 tỷ đồng thì có thể miễn thuế 300 năm”, ông Việt so sánh và nhấn mạnh nếu làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, chưa nói lãng phí tiêu cực thì số tiền vào ngân sách rất lớn so với thu từ người dân.
Cho phép khai thác bất động sản đã được giao
Trình bày tờ trình về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) chiều cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo luật lần này sẽ điều chỉnh thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô công từ Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ để nâng cao hiệu lực pháp lý và thực thi trong thực tiễn.
Dự thảo Luật cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức PPP, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; Huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập...
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, hướng sửa đổi lần này nhằm điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan Nhà nước theo luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác bất động sản đã được Nhà nước giao theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết gắn với các điều kiện ràng buộc cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản.
Ngày 20/10, khai mạc Kỳ họp thứ 2Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc ngày 22/11, sẽ xem xét thông qua bốn dự án luật, một dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 14 dự án luật như: Luật Công an xã; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cảnh vệ… Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016; Quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017; Báo cáo về tình hình biển Đông... Ngoài ra, Quốc hội cũng dành 2,5 ngày cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận