Xã hội

Không nhất thiết “dọn sạch, đập sạch” vỉa hè

30/03/2017, 08:05

Trả lại không gian cho vỉa hè, giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết, nhưng theo tôi, không nhất thiết...

14

Cơ quan chức năng phá dỡ vỉa hè của các hộ dân lấn chiếm trên đường Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Trả lại không gian cho vỉa hè, giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết, nhưng theo tôi, không nhất thiết phải áp dụng đồng loạt trên mọi tuyến phố và không cần chỗ nào cũng phải “dọn sạch, đập sạch”.

Không đơn giản chỉ là cái…vỉa hè!?!

Chưa khi nào, người ta lại thấy một sự kiện thu hút đông đảo dư luận quan tâm như việc dọn dẹp, chấn chỉnh lại vỉa hè tại hai thành phố lớn bậc nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Ở TP Hồ Chí Minh, ông Hải “đập” - biệt danh mà nhiều người gọi vui vẫn đang tiếp tục gây ra nhiều bất ngờ khi ông và cán bộ thuộc quyền đi đến đâu là “đập, cẩu, phạt” đến đó.

Nhìn hình ảnh ông Hải có lúc mệt mỏi, đăm chiêu suy nghĩ sau mỗi đợt chỉ đạo thẳng tay, cương quyết, một số người đã gọi ông là “Ngôi sao cô đơn”?!? Dù có lúc thấy ông “cô đơn” thật, nhưng đến giờ phút này, ít ra ông cũng chưa bị cá nhân, tổ chức nào phát đơn kiện và cấp trên vẫn để ông tự quyết trong phạm vi chức trách của mình. Điều đó cho thấy, hành động của ông là không sai, dù ở một số vụ việc, cách làm cứng nhắc của ông là… không thực sự cần thiết?!?

Sau khi  mở diễn đàn “Chống ùn tắc giao thông đô thị”, Báo Giao thông  đã nhận được nhiều ý kiến, ý tưởng của chuyên gia, bạn đọc và người dân. Cùng đó, nhiều độc giả gửi bình luận, bày tỏ quan điểm ngay sau khi các bài viết về chủ đề này được đăng tải.

Tài khoản facebook Kiều Minh bày tỏ quan điểm: “Ở các đô thị lớn, đô thị trung tâm, có hàng vạn cá nhân, hộ gia đình sống dựa vào vỉa hè. Cá nhân tôi cũng thích ngồi vỉa hè cà phê. Nhưng sao không nghĩ ra phương án khác như quy hoạch các khu vực bày bán ngoài đường, vỉa hè (chợ đêm và phố đi bộ ở Hà Nội là một ví dụ)”.

Facebooker Nga Nguyen nêu quan điểm: “Chỉ cho phép kinh doanh trên vỉa hè một số tuyến phố nhất định, đủ điều kiện. Tiền thu được sẽ nộp ngân sách, hỗ trợ một phần thu nhập cho các lực lượng làm nhiệm vụ duy trì trật tự đô thị, còn hơn đang miễn phí sử dụng mà thực tế thu tiền bất minh. Phố xá lộm nhộm, người người lấn chiếm, người đi bộ, hay trẻ con chả có chỗ mà chơi”.

Facebooker Việt Trần bình luận: “Lâu nay người ta cứ rỉ tai nhau là vỉa hè các tuyến phố đều có “bảo kê” và phải mất “phí”. Vậy phải làm rõ xem ai thu? Phí đó được chia chác thế nào? Ai chống lưng?...”.

T.A (tổng hợp)

Đồng hành với các quận của TP Hồ Chí Minh, các quận của Hà Nội gần đây cũng đồng loạt ra quân dù có vẻ không ồn ào, ẫm ĩ. Một phần vì Hà Nội không có những “ngôi sao” như ông Hải. Phần vì cách làm của các quận ở Thủ đô vẫn chưa thực sự quyết liệt, gay gắt.

Có lẽ đến giờ, “cuộc chiến” giành vỉa hè của Hà Nội gây xôn xao dư luận nhất mới chỉ có vụ phá các bậc tam cấp người dân vi phạm xây lấn ra vỉa hè trên con phố mới mở Xã Đàn. Ấy vậy thôi, những hình ảnh về hệ lụy của nó đã tràn ngập trên các trang báo và trang cá nhân.

Có một điều khác biệt, đó là, có vẻ sau khi bị “đập hết, dỡ hết”, vỉa hè của quận 1 đã trở lại thông thoáng thực sự. Người ta ít thấy cảnh lấn chiếm, tái vi phạm, ít nhất là đến thời điểm này. Còn ở Hà Nội, hình ảnh người ta thường thấy hơn là, cứ sau khi đoàn công tác đi qua, mọi thứ gần như… đâu lại vào đấy. Ngay cả hành động “bạo tay” đập các bậc tam cấp ở phố Xã Đàn, dù hoàn toàn đúng, nhưng có vẻ các hộ dân vẫn chưa chịu… khuất phục. Bởi, ngay sau đó, người ta lại nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để “đối phó”. Và thế là, cái vỉa hè vừa bị dọn dẹp giờ nhìn còn nhôm nhoam hơn trước.

Thế mới biết, “cuộc chiến” vỉa hè, dù ở bất cứ thành phố nào trên đất nước này cũng đều không hề đơn giản. Theo dõi các cuộc ra quân của cả 2 thành phố, tôi hoàn toàn ủng hộ hành động dọn dẹp vỉa hè để trả lại không gian cho người đi bộ của cơ quan chức năng. Nhưng, quả thật, tôi thật sự không thấy tin tưởng lắm vào tính dài hơi và hiệu quả của những đợt “ra quân” này. Bởi, cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hầu như con phố, con ngõ nào cũng cõng trên mình biết bao hộ dân mưu sinh trên đó. Một lượng lớn công dân của thành phố và những người ngoại tỉnh coi vỉa hè là mảnh đất kiếm sống của họ. Vỉa hè còn là nơi giao lưu, tụ tập, không gian văn hóa của không ít hội nhóm, cư dân. Giờ dẹp đi, thử hỏi, số lượng người không nhỏ sống nhờ nó sẽ đi về đâu?

Đó là chưa kể, vỉa hè ở nhiều phố còn là nơi chứa lượng lớn phương tiện ô tô, xe máy. Giờ dọn sạch, những phương tiện ấy “bốc hơi” đi đâu khi các bãi giữ xe công cộng đều đã chật kín, trong khi các dự án bãi đỗ xe thông minh khởi động từ lâu mà đi vào hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay?

13

Facebooker Chiến Văn

Không nhất thiết phải áp dụng đồng loạt trên mọi tuyến phố

Quan sát nhiều tuyến phố, có thể thấy, hiện nay thói quen đi bộ của người dân ta chưa nhiều. Lượng người đi bộ chủ yếu tập trung ở các phố cổ, trung tâm, nơi có đông du khách nước ngoài. Còn lại, nhiều vỉa hè chỉ lác đác thảng hoặc mới có một vài bà nội trợ đi bộ mua đồ ăn, hoặc lâu lâu có ông bà đi tập thể dục.

Nói vậy, sẽ có người lên tiếng cho rằng, dù không có người đi bộ, vẫn phải giữ không gian cho vỉa hè như nó vốn có. Tất nhiên, điều đó là đúng, nhưng với điều kiện phương tiện cá nhân của người dân không quá nhiều như ở ta hiện nay. Làm sao ta có thể sánh vai với các tuyến phố văn minh nước bạn, khi vẫn tồn tại thói quen ăn sáng trên vỉa hè và cứ ra khỏi nhà là trèo lên ô tô riêng hoặc xe máy.

"Nếu không giải quyết đồng bộ tất cả những vấn đề có mối quan hệ cơ hữu kể trên, tôi nghĩ, các cuộc “ra quân”, cuộc chiến giành lại vỉa hè của chúng ta sớm muộn lại rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì điều chúng ta làm, mới chỉ là giải quyết được phần ngọn vấn đề phức tạp của vỉa hè mà thôi!”.

Facebooker Chiến Văn

Trả lại không gian cho vỉa hè, giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết, nhưng theo tôi, không nhất thiết phải áp dụng đồng loạt trên mọi tuyến phố và không cần chỗ nào cũng phải “dọn sạch, đập sạch”. Chúng ta nên phân chia các tuyến phố ra làm nhiều loại, dựa theo diện tích, khu vực, tỉ lệ người đi bộ. Từ đó, cần tính toán, đo đạc cụ thể để chia vỉa hè ra làm các phần diện tích khác nhau. Trong đó, có phần diện tích đủ lớn dành cho người đi bộ. Còn lại, là diện tích dành cho dừng đỗ phương tiện.

Nếu vỉa hè nào có diện tích quá rộng, có thể tạo điều kiện cho người dân buôn bán. Cùng với việc giới hạn cụ thể không gian, chúng ta cần một biện pháp đồng bộ và dài hơi hơn, đó là hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Đồng thời, có những cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh việc nhập khẩu ô tô ồ ạt từ nước ngoài, làm tăng thêm nguy cơ ùn tắc giao thông. Khi cấp giấy đăng ký ô tô, cần bắt buộc chủ phương tiện phải chứng minh được điểm cất giữ phương tiện. Ngoài ra, các xe quá niên hạn, gây ô nhiễm môi trường cần phải thẳng tay loại bỏ. Đó chính là cách để giải phóng gánh nặng cho vỉa hè.

Chúng ta cần những hành động quyết liệt để trả lại cho các tuyến phố vẻ thoáng đãng, phong quang, sạch đẹp, để người đi bộ có thể thong dong rảo bước nhìn ngắm phố phường. Nhưng, chúng ta cũng cần những giải pháp đồng bộ, dài hơi của các cơ quan chức năng, để giải những bài toán hóc búa về việc mưu sinh của những người dân vốn chỉ biết sống nhờ vỉa hè và cả chỗ dừng đỗ của các phương tiện giao thông đang tăng lên vùn vụt. 

dien-dan-300x90-0602

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.