Thời sự

Không phong GS, PGS cho quan chức sẽ giảm được tiêu cực

05/03/2018, 06:08

GS, PGS phải gắn với trường đại học hoặc viện nghiên cứu, còn các quan chức không ở đó thì không cần thiết.

7

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính

Đó là quan điểm được GS.TSKH Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Thăng Long, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đưa ra trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông về những lùm xùm trong việc xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) thời gian qua. Bà Hoàng Xuân Sính là nữ giáo sư, tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam.

Thời gian qua, vấn đề xét duyệt, phong chức danh giáo sư trở nên rất nóng khi số lượng GS, PGS tăng đột biến. Chỉ đến khi Thủ tướng yêu cầu rà soát thì mới lộ ra việc có tới gần 100 người không đủ tiêu chuẩn, thậm chí hồ sơ của một Bộ trưởng cũng nằm trong danh sách rà soát. Đón nhận thông tin này, bà có suy nghĩ gì?

Tôi từng được chứng kiến con cháu trong nhà phản biện một luận văn. Hôm đó, khi đọc xong, cháu tôi nổi cáu vì viết quá lủng củng. Và khi học trò đến, cháu tôi nói một cách bâng quơ “bảo người viết hộ lại đây”… Hôm sau, người đó dẫn người viết hộ luận văn đến và họ coi chuyện đó rất bình thường. Người đó còn nói lại với cháu tôi: “Vâng, em là người viết hộ”. Song cháu tôi hỏi ngay: “Có phải cô là người đang nộp hồ sơ PGS không”, người này trả lời: “Vâng, em đang nộp hồ sơ…”. Cô này hỏi lại cháu tôi: “Các bài báo của cô đã ổn chưa, nếu chưa cô đưa đây để em nhờ đăng báo, chỉ mấy ngày là xong thôi. Kể cả tóm tắt công trình đã viết sang tiếng Anh, cô cũng đưa đây cho em, chỉ sau mấy ngày là em làm xong cho cô”.

Qua đây, tôi thấy rõ ràng có một “thị trường ngầm” trong việc nộp hồ sơ xin xét duyệt chức danh GS, PGS, có việc viết hộ, làm hộ. Bởi thế mà sau mỗi đợt phong GS, PGS, dư luận có quyền nghi ngại về chất lượng thật sự.

Trước đây bà từng ngồi trong Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán. Thời đó việc xét duyệt có khắt khe không?

Đó là thời điểm cuối những năm 1970, đầu 1980. Thời đó cũng có những trường hợp khi bảo vệ thì sai lè lè nhưng lại không chịu nhận sai, vì người ta có cương vị cao rồi, tất cả mọi người đều phải thông qua. Cãi nhau một hồi ở hội đồng nhưng người đó vẫn không công nhận, mà toán thì cho kết quả rất rõ ràng.

Không những thế, có cả những trường hợp lấy cắp công trình của người khác, bảo ăn cắp nhưng anh ta vẫn không chịu mà còn bảo bài của anh ta đăng trước người kia. Mà khi đã ăn cắp trong việc nghiên cứu thì không có lý gì người ta lại không ăn cắp trong lĩnh vực khác.

Theo bà, vì sao nhiều người lại thích chức danh giáo sư đến thế? Là vì được trọng vọng hay nhận được nhiều lợi ích?

Trước hết phải nói đến quyền lợi của GS, PGS về lương là không có. Giáo sư cũng chỉ được hưởng lương 10 triệu, còn PGS chưa được 10 triệu đồng. Cho nên GS hay PGS thì người ta đều phải làm thêm để sống nên không phải do quyền lợi, chỉ có thể là do họ hám danh hoặc muốn có cơ hội thăng tiến hơn những người không có chức danh này. Với những người làm quản lý thì nếu có chức danh này, người ta cảm thấy “oai” hơn!

Rõ ràng trong việc đề bạt, bổ nhiệm, những người có học hàm, học vị dường như bao giờ cũng được ưu tiên, chú ý hơn. Theo bà, điều này xuất phát từ đâu?

Khi lãnh đạo quá đề cao chức danh hay học vị, cấp dưới của họ sẽ giơ ngay bằng nọ bằng kia để được đề bạt, thăng tiến nhanh hơn. Còn nếu người lãnh đạo cũng coi một giáo sư là một anh lao động bình thường, đều có những năng lực và đóng góp ngang nhau trên mỗi cương vị thì sẽ chẳng ai khoe chức danh giáo sư, tiến sĩ làm gì.

Như tôi vừa nói, chức danh GS, PGS không có quyền lợi gì cả nhưng trước hết vì họ thích danh hão. Có một thành phố lớn của ta thậm chí còn có ý định phải tiến sĩ hoá công chức, tôi cũng không hiểu tại sao lại có chủ trương đó.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực khoa học, người ta quan niệm, tiến sĩ là để anh dấn thân vào làm công tác nghiên cứu khoa học. Thế thì tại sao ở ta lại cho rằng cần phải tiến sĩ hoá công chức? Tôi cũng đã cố gắng hiểu nhưng thực sự không hiểu nổi.

Điều đáng nói là không ít người vẫn trở thành GS, PGS trong khi những công trình mà họ “nghiên cứu” và công bố là công trình của người khác. Phải chăng các hội đồng chức danh giáo sư “có vấn đề”?

"GS, PGS phải gắn với một đơn vị trường đại học hoặc một viện nghiên cứu. Còn các quan chức không ở đó thì không cần thiết. Trong trường hợp quan chức về hưu muốn tham gia giảng dạy, nếu đủ tiêu chuẩn thì mới phong họ là giáo sư hay phó giáo sư. Hơn nữa, quan chức là làm công tác quản lý chứ đâu có làm công tác giảng dạy. Như các nước trên thế giới, ngay cả tổng thống có ai là giáo sư đâu. Công tác quản lý không cần thiết phải có sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ. Chúng ta đang quan niệm sai về vấn đề sử dụng giáo sư, tiến sĩ nên đã hướng mọi người hùa theo cái đó”.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính

Ở nước ngoài, khi xét công trình nghiên cứu của ứng viên, người ta phải để hàng năm cho các chuyên gia mổ xẻ chứ không phải như ở ta khi lập hội đồng rồi mới chọn thành viên các hội đồng. Như thời tôi còn trong hội đồng, trước có mấy ngày họ đưa cho tôi một đống hồ sơ và đưa ra ba-rem. Thực tế, tôi không thể biết hết được, nếu về một lĩnh vực chuyên ngành của tôi, tôi sẽ đánh giá được, còn ở lĩnh vực khác chuyên sâu, một chuyên gia không thể biết hết.

Tôi chỉ muốn nói là việc phong giáo sư của ta là không thực chất. Vì chúng ta chỉ xét chức danh này như một thứ huân chương, có thể giữ suốt đời dù không dạy học, không nghiên cứu. Ví dụ, tôi làm Bộ trưởng chẳng hạn. Cả ngày tôi không lên lớp, cả ngày không vào phòng thí nghiệm mà lúc nào tôi cũng là giáo sư, tiến sĩ thì điều đó là vô lý!

Như tôi đã nói, vì điều kiện làm việc khó khăn cho nên các thành viên trong Hội đồng 3 cấp không thể cập nhật về chuyên ngành của mình như ở nước ngoài. Điều đó đã dẫn tới việc xem xét, đánh giá công trình khoa học vẫn có tính hời hợt. Thậm chí, “xét” mà không biết rõ người mình “xét”. Vì thế, nếu người ta có ăn cắp công trình của người khác thì mình cũng đâu có phát hiện được.

Như bà nói thì khi ai đó được phong giáo sư rồi thì nghiễm nhiên đó là một thứ danh để người ta làm việc, để tôn vinh, để giữ suốt đời. Việc này có giống như ở nước ngoài hay không?

Ở nước ngoài khác hoàn toàn ở Việt Nam. Ở nước ngoài, giáo sư phải đứng đầu laboratory (phòng thí nghiệm), tập hợp một số người nghiên cứu hướng dẫn trong công trình khoa học đó. Công trình nghiên cứu không phải trên bộ, ngành rót tiền xuống, mà tự giáo sư đó phải đi tìm tiền cho đề tài nghiên cứu của mình. Vì vậy, đòi hỏi công trình đó phải có chất lượng, người giáo sư phải giỏi, người ta mới cấp tiền, chứ không giỏi thì người ta không cho tiền. Như vậy là thách thức, qua đó làm giáo sư ở nước ngoài rất khó khăn. Ở ta, có rất nhiều công trình nghiên cứu nằm trong ngăn kéo, trong khi số tiền Nhà nước bỏ ra không nhỏ.

Như bà nói thì chức danh giáo sư phải gắn liền với việc nghiên cứu, giảng dạy?

Theo tôi, nếu buộc tất cả giáo sư đi dạy học, nghiên cứu thì chắc chắn nhiều người sẽ từ bỏ “giấc mơ” giáo sư, vì họ không có khả năng, còn nếu nói, muốn làm lãnh đạo phải có học hàm giáo sư thì nhiều người thích chức giáo sư ngay!

Giáo sư phải gắn với một trường, chẳng có giáo sư chung chung nào như ở mình cả. Vì bao giờ người ta cũng nói ông này là giáo sư của trường đại học nào, viện nghiên cứu nào, chứ không bao giờ giáo sư hay phó giáo sư lại không gắn với một trường đại học hay viện nghiên cứu nào cả.

Vì vậy, cần phải có một định nghĩa là GS, PGS phải gắn với một đơn vị làm việc, đơn vị đó phải làm công tác nghiên cứu hoặc giảng dạy. Nếu ta định nghĩa lại thì những người hám danh kia sẽ hết và cũng chẳng ai nộp đơn làm giáo sư hay phó giáo sư làm gì.

Gần đây, có quan điểm cho rằng nên giao chỉ tiêu về số lượng giáo sư cho các trường, các viện nghiên cứu, thay vì Nhà nước lo chuyện này. Có nghĩa là tuỳ theo nhu cầu đào tạo, sử dụng, các trường, viện sẽ tự đưa ra số lượng giáo sư?

Nếu muốn giao chỉ tiêu về cho các trường thì phải có môi trường khoa học thực thụ và các trường, các viện phải có sự cạnh tranh lành mạnh. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, mỗi trường, mỗi viện nghiên cứu sẽ xin đăng ký có bao nhiêu biên chế giáo sư. Ai có nhu cầu làm giáo sư thì xin ứng cử vào trường, viện nghiên cứu đó.

Nhưng điều này cũng đặt ra 2 vấn đề: Nếu trong một môi trường khoa học thực thụ và có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, các viện nghiên cứu thì không vấn đề gì. Nhưng nếu ngược lại sẽ dẫn tới chuyện nể nang, “trao đổi” giữa những người quen thân với nhau, giữa cấp trên cấp dưới với nhau. Hiện nay, trong các Hội đồng 3 cấp cũng vẫn có những chuyện như thế. Đó chính là mặt trái.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.