ĐBQH Bùi Mậu Quân |
Ngày 29/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật An ninh mạng. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi vấn đề an ninh mạng diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và cả an ninh quốc gia.
Đề cập đến vấn đề rất thiết thực là bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, dù Luật Trẻ em quy định cấm cung cấp dịch vụ internet có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, nhưng tác động tiêu cực của môi trường mạng với trẻ em luôn là nỗi lo đối với gia đình, nhà trường và xã hội. “Việc để trẻ em tự do tham gia môi trường mạng, mạng xã hội, trao đổi thông tin với các đối tượng mà các em không biết, truy cập các trang “web đen”, game online không phù hợp với lứa tuổi của các em khi không có sự giám sát của người thân, thày cô sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của trẻ em”, ông Cảnh phân tích.
Theo vị ĐB này, nếu chúng ta không thể kiểm soát được việc tham gia vào môi trường mạng của trẻ em, không khác gì chúng ta để con em “đi bụi đời” trên mạng xã hội, rồi sẽ có một cuộc sống ảo lệch lạc, có lối sống trái với chuẩn mực đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vì thế, ông Cảnh kiến nghị nghiên cứu phát triển cổng thông tin tích hợp dành riêng cho trẻ em sử dụng tại các gia đình, trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ internet để các em chỉ tiếp thu thông tin đã được xây dựng, được chọn lọc.
ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) nêu thực tiễn những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, gây bức xúc trong xã hội. Đó là các hoạt động lợi dụng không gian mạng để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội như hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, chống Nhà nước; Hoạt động gián điệp mạng đánh cắp bí mật Nhà nước, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự an toàn xã hội mà nổi lên là các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ, mại dâm qua mạng và lấy cắp thông tin cá nhân, vu khống, làm nhục người khác qua mạng và cao hơn nữa là việc tấn công mạng và chiếm quyền điều khiển, khủng bố mạng và chiến tranh mạng.
“Về giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn cũng chưa có chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để có thể xử lý một cách có hiệu quả những hành vi vi phạm. Chúng ta thử hình dung hệ thống mạng máy chủ của hãng hàng không quốc gia, hệ thống tài chính ngân hàng, các cổng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, bị phá hoại thì hậu quả sẽ như thế nào?”, ông Quân đặt vấn đề và nhấn mạnh tính cấp thiết ban hành luật này.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, lực lượng bảo vệ an ninh mạng không thể làm hết tất cả các công việc, nhưng đối với những vấn đề quan trọng và thiết yếu thì cần phải có quy định rõ. “Chúng ta đã phải trả giá cho một số nơi, một số vụ việc. Hiện nay, vấn đề an ninh mạng rất phức tạp và sẽ còn phức tạp hơn. Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng trực thuộc Bộ Quốc phòng đã được thành lập và không có lí do gì chúng ta buông lỏng việc này”, ông Việt nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận