Ông Lê Văn Tăng |
Tối qua (11/9), trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, các dự án BOT giao thông thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 trở về trước được thực hiện theo quy định của Nghị định 108/2009, Nghị định 78/2007,… Để đánh giá các dự án này, chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của thời điểm đó, không thể lấy quy định hiện hành và Nghị định 15/2015 rồi soi xét lại thời điểm 5 - 10 năm trước.
“Đọc bài “Sự thật Đầu tư BOT giao thông - Từ chủ trương lớn của Đảng đến thực tế chông gai”, đăng trên Báo Giao thông tôi thấy nội dung bài viết rất đúng mức, rõ ràng và khách quan”, ông Tăng chia sẻ.
Theo ông Tăng, thời điểm trước đây, ai cũng muốn đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án BOT, nhưng các quy định còn chưa đầy đủ nên rất khó thực hiện. Cụ thể, Thông tư 03/2009 do Bộ KH&ĐT ban hành ngày 16/4/2009 về việc hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất cũng chỉ đưa ra những quy định chung chung với mục đích dò cơ chế, chứ chưa bài bản. “Đến năm 2013, trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu, các cơ quan tranh luận nhau rất gay gắt, chúng tôi mới dũng cảm đưa một chương Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào trong Luật, nhưng thực tế cũng chỉ là nguyên tắc”, ông Tăng thừa nhận và cho rằng, phải đến năm 2015, khi Nghị định 30 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư ra đời thì các quy định mới được rõ ràng hơn. Đặc biệt, Thông tư 15 và Thông tư 16 được Bộ KH&ĐT ban hành năm 2016, lúc đó mới có quy định về mẫu hồ sơ mời thầu. Trong bối cảnh trước đây, chúng ta không có mẫu hồ sơ mời thầu nên phải chấp nhận như thế. Còn từ bây giờ, ông nào không làm theo mẫu hồ sơ mời thầu của Thông tư 15 và Thông tư 16 thì ông đó sai và phải chịu trách nhiệm.
Cũng giống như việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu, Bộ Xây dựng ban hành văn bản từ năm 1992, đến năm 1994, Văn phòng Đấu thầu Quốc gia mới ra đời và chúng ta mới có có nghị định đầu tiên về đấu thầu lựa chọn nhà thầu vào năm 1996. “Tôi cho rằng, cái gì nó cũng phải có quá trình, chứ bây giờ ngồi trách thì cũng rất khó, vì nhận thức lúc đó chỉ có thế. Tôi nhớ hồi năm 2014, khi soạn thảo Nghị định 15/2015 để thay thế Nghị định 108/2009, trong giới học giả có rất nhiều ý kiến tranh luận, người thì bảo PPP là một loại BOT đời mới, người khác lại nói BOT không phải PPP, hai cái này là khác nhau. Chính lúc đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã giao cho Cục Quản lý đấu thầu trong thời gian 3 tháng phải trả lời rõ PPP và BOT nó là thế nào?”, ông Tăng chia sẻ.
“Khi ấy, chúng tôi phải mời nhiều chuyên gia và nghiên cứu kỹ mô hình ở nước ngoài. Sau khi nghiên cứu kỹ và đi đến thống nhất, chúng tôi đã khẳng định BOT chính là PPP. Cụ thể, PPP là hình thức đầu tư đối tác công - tư, còn BOT là một loại hợp đồng trong PPP. Nói nôm na, nếu gọi PPP là môn toán thì BOT là hình, BT là đại, BOO là lượng… Nhận thức là cả một quá trình, chứ bây giờ mọi người vỡ ra hết rồi, lại ngồi soi xét lại thời điểm chúng ta nhận thức chưa rõ, đương nhiên nó còn nhiều điểm khiếm khuyết”, ông Tăng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận