Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp sáng 10/1 |
Tiếp tục phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/1, các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và dự thảo Luật Cảnh vệ.
Tài sản cho thuê phải được lập danh mục
Liên quan đến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, do tài sản công chủ yếu phục vụ công tác quản lý Nhà nước như trụ sở làm việc, xe công… nên phải sử dụng tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức. Dự thảo Luật lần này cũng quy định, tài sản công chưa sử dụng hết công năng có thể cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết... Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, chỉ một số loại tài sản công khi khai thác không làm ảnh hưởng đến quản lý, thất thoát tài sản và được pháp luật chuyên ngành cho phép thì mới được khai thác, như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, nhà công vụ... Với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc cho phép cho thuê, kinh doanh dịch vụ sẽ giúp giảm bớt áp lực cho ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.
Chưa đồng tình với cách quy định trong dự thảo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, quy định như vậy là chưa rõ ràng, hợp lý. Ông Phúc dẫn chứng, Hội trường Diên Hồng của tòa nhà Quốc hội một năm được sử dụng hai lần vào các kỳ họp của Quốc hội. Theo quy định như dự thảo, giữa hai kỳ họp không sử dụng đến sẽ cho thuê lại để khai thác hết công suất. Nhưng nếu như vậy thì không ổn. Ông Phúc đặt tiếp câu hỏi: "Hay như hiện Chính phủ cho thuê nhà 37 Hùng Vương làm dịch vụ ăn uống, bia hơi chẳng hạn… có nên không?”. Vì thế, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh dự luật cần quy định rõ tài sản công vụ nào được phép khai thác, cho thuê dịch vụ để tránh tranh cãi sau này. Ông Phúc cho rằng, không thể tùy tiện cho thuê hay khai thác tài sản công của Nhà nước.
Đồng tình, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, với những tài sản cụ thể cần rà soát và quy định rõ việc sử dụng, khai thác. Riêng quan điểm về khoán kinh phí sử dụng xe công, các ý kiến thành viên thường trực Quốc hội thống nhất không nên tách riêng mà giao Chính phủ quy định mức khoán, do đây là cơ quan quản lý thống nhất về kinh tế.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, khoán kinh phí xe công rất nhỏ, tách riêng thì không nên. Nên thống nhất một mối Chính phủ quy định sẽ tạo mặt bằng chung để dễ thực hiện. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba vào tháng 5 tới.
Có những trường hợp bắt buộc phải nổ súng
Góp ý vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều cùng ngày, nhiều ý kiến đề nghị Luật này cần quy định cụ thể về nguyên tắc và các trường hợp nổ súng, tránh lạm dụng hoặc nổ súng quá giới hạn.
Giải trình làm rõ thêm về quy định nổ súng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo luật đã quy định việc nổ súng phải “căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định”. Đây là quy tắc chung của người cầm súng hay người chỉ huy khi ra quyết định cho nổ súng chứ không phải muốn nổ súng là nổ súng ngay. Về băn khoăn trong trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo, Thượng tướng Vương cho biết, trong thực tế có những trường hợp buộc phải nổ súng cảnh báo với các đối tượng có vũ khí. "Điển hình như tại trại Vân Hồ ở Sơn La từ năm ngoái đến nay đã xảy ra 6 lần đấu súng và trong những trường hợp ấy bắt buộc ta phải nổ súng cảnh báo", Tướng Vương cho biết. |
Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, việc nổ súng của các lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng cần quy định đầy đủ về nguyên tắc và các trường hợp được phép nổ súng làm căn cứ để các lực lượng thi hành công vụ thực hiện. Đồng thời, là cơ sở để các luật chuyên ngành cụ thể hóa quy định về nổ súng cho phù hợp. Do đó, giữ nội dung này theo hướng quy định về nguyên tắc nổ súng và các trường hợp được nổ súng như dự thảo luật là phù hợp.
Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo luật và cho rằng, Luật này đã cơ bản đủ điều kiện để trình ra Quốc hội. Riêng Điều 21 về quy định nổ súng vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện nay ở nước ta có nhiều lực lượng được trang bị vũ khí nhưng do quy định không cụ thể nên khi xử lý rất khó khăn. Vì thế, cần quy định cụ thể trường hợp nào được phát súng, trường hợp nào được nổ súng, nếu không nhiều đối tượng được phát súng lạm dụng hoặc không dám sử dụng vì không biết trường hợp nào sử dụng thì đúng.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn chứng, dự thảo luật quy định lực lượng thi hành công vụ được phép nổ súng không cần cảnh báo trong trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi “...mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên” dễ gây hiểu rằng khi phát hiện các đối tượng mua bán vận chuyển trái phép vũ khí này thì được nổ súng ngay. Do vậy, cần phải quy định rõ, nếu không rất khó phân biệt khi thi hành nhiệm vụ.
Cuối ngày, khi cho ý kiến vào dự thảo Luật Cảnh vệ, Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cao với những tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận