Người dân miền Trung phải hứng chịu lũ lụt (nguyên nhân từ biến đổi khí hậu) ngày một nặng nề hơn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam
PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống con người và môi trường tự nhiên rất rõ nét. Số liệu quan trắc cho thấy nhiệt độ bề mặt trung bình năm trên phạm vi toàn cầu liên tục tăng và liên tiếp phá kỷ lục năm nóng nhất trong 3 năm gần đây (2010, 2014, 2015). Các hiện tượng thời tiết bất thường (thời tiết, khí hậu cực đoan) xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn.
Tại Việt Nam, các kỷ lục về nhiệt độ trung bình cũng như nhiệt độ tối cao liên tục được ghi nhận từ năm này qua năm khác. Như tại trạm Con Cuông (Nghệ An), nhiệt độ cao nhất quan trắc được trong đợt nắng nóng năm 1980 là 42 độ C, năm 2010 là 42,2 độ C và năm 2015 là 42,7 độ C. Từ năm 2000 đến nay, khô hạn gay gắt hầu như năm nào cũng xảy ra. Năm 2010, mức độ thiếu hụt dòng chảy trên hệ thống sông, suối cả nước so với trung bình nhiều năm từ 60 - 90%, mực nước ở nhiều nơi rất thấp, tương ứng với tần suất lặp lại 40 - 100 năm. Còn năm 2015 mùa mưa kết thúc sớm, dẫn đến tổng lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm trên phạm vi cả nước, gây ra hạn hán trên diện rộng, đặc biệt là ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Nắng nóng, nhiệt độ cao vào mùa hè hay mùa khô nhưng vào mùa Đông Xuân, nhiệt độ lại xuống rất thấp, nhất là khu vực miền núi, gây rét đậm, rét hại. Năm 2008, miền Bắc trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày từ 13/1 - 20/2, băng tuyết xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), nhiệt độ chỉ -2 và -3 độ C. Mùa đông 2015-2016, rét đậm, rét hại trên diện rộng ở miền Bắc, tuy không kéo dài nhưng nhiệt độ đạt giá trị thấp nhất trong 40 năm gần đây. Như tại các vùng núi cao Pha Đin, Sa Pa hay Mẫu Sơn, nhiệt độ thấp nhất dao động từ -5 đến -4 độ C. Băng tuyết xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt là ở một số nơi như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An) có mưa tuyết lần đầu tiên trong lịch sử.
Một hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan khác thường xuyên xảy ra tại Việt Nam trong những năm gần đây là mưa lớn xảy ra bất thường hơn cả về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ. Mưa lớn không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà ngay cả trong mùa khô, đợt mưa trái mùa từ ngày 24 - 27/3/2015 ở Thừa Thiên - Huế - Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 200-500mm.
>>> Xem thêm video:
Kịch bản nào cho Việt Nam?
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu vừa trình Bộ Tài nguyên và Môi trường kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016. Theo Viện trưởng Nguyễn Văn Thắng, với kịch bản 2016, kịch bản biến đổi khí hậu và một số cực trị khí hậu được xây dựng chi tiết cho 63 tỉnh, thành phố, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và chi tiết cho 150 trạm (tương đương cấp huyện). Kịch bản nước biển dâng được xây dựng chi tiết cho 28 tỉnh ven biển, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng được xây dựng cho các khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam.
Theo kịch bản 2016, nhiệt độ tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005), với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc. Theo kịch bản RCP4.5 (kịch bản phát triển ổn định trung bình), đến cuối thế kỷ XXI, ở phía Bắc nhiệt độ tăng chủ yếu từ 1,9-2,4 độ C và ở phía Nam từ 1,7-1,9 độ C; Theo kịch bản RCP8.5 (thuộc loại phát triển cao), nhiệt độ tương ứng tăng 3,3-4,0 độ C ở phía Bắc và 3,0 - 3,5 độ C ở phía Nam.
Lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc so với thời kỳ cơ sở ở tất cả các kịch bản. Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ XXI, lượng mưa năm có mức tăng phổ biến từ 5 -15%. Theo kịch bản RCP8.5, mức tăng nhiều nhất có thể trên 20% ở hầu hết diện tích Bắc bộ, Trung Trung bộ, một phần diện tích Nam bộ và Tây Nguyên. Trong khi đó, lượng mưa mùa khô ở một số vùng lại có xu thế giảm. Tuy nhiên, lượng mưa 1 ngày lớn nhất trung bình có xu thế tăng trên toàn lãnh thổ Việt Nam với mức tăng phổ biến từ 10-70% so với trung bình thời kỳ cơ sở. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới yếu và trung bình có xu thế giảm nhẹ hoặc ít thay đổi, nhưng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng.
Về mùa đông, số ngày rét đậm, rét hại các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ đều giảm. Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35 độ C) có xu thế tăng trên phần lớn diện tích cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung bộ.
Còn về mực nước biển, theo kịch bản RCP4.5, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 58cm (36-80cm) và 57cm (33-83cm); các khu vực Móng Cái - Hòn Dáu và Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 53cm (32-75cm). Theo kịch bản RCP8.5 mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 78cm (52-107cm) và 77cm (50-107cm); các khu vực Móng Cái - Hòn Dáu, Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 72cm (49cm-101cm).
“Việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam trong đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương với các tiêu chí: Tính đặc thù của ngành, lĩnh vực, địa phương; Tính đa mục tiêu; Tính hiệu quả nhiều mặt, từ kinh tế, xã hội, môi trường; Tính bền vững; Tính khả thi, khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận