Xem - ăn - chơi

Kịch tương tác và cái kết do khán giả quyết định

09/10/2017, 07:32

Không còn thụ động trong việc xem kịch, khán giả truyền hình có thể chủ động chọn một cái kết như mình mong muốn...

27

Nghệ sĩ Ngọc Huyền (trái) và Tú Oanh trong vở kịch tương tác “Soi gương”

Thời của xem kịch chủ động

Truyền hình FPT vừa chính thức ra mắt chương trình kịch tương tác trên truyền hình đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, ở đoạn “nút thắt” của mỗi tiểu phẩm, sẽ có những hướng rẽ khác nhau để khán giả lựa chọn. Khán giả có thể lựa chọn ngã rẽ cho các nhân vật theo ý muốn của mình bằng những nút bấm điều khiển ti vi. Để có được điều này, đội ngũ sản xuất phải đưa ra nhiều kịch bản phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Các diễn viên phải diễn thêm nhiều lần để có những cái kết khác nhau. Ý tưởng này được phát triển bởi đạo diễn Đinh Tiến Dũng, Giám đốc sáng tạo của Truyền hình FPT. “Giáo sư Cù Trọng Xoay” đã mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu xu hướng sở thích của khán giả, xu hướng phát triển của kịch tương tác để lên format chương trình.

Đạo diễn Đinh Tiến Dũng cho biết, kịch nói từ lâu đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người xem nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến nhà hát để thưởng thức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc triển khai chương trình kịch tương tác nhằm mang những vở kịch đặc sắc đến người xem và hy vọng sẽ khiến việc thưởng thức các vở kịch trở nên thú vị và chủ động hơn. Thông qua các vở kịch tương tác, khán giả sẽ có cơ hội bày tỏ quan điểm, tự quyết định thái độ ứng xử một cách tích cực. Được biết, từ khi lên ý tưởng tới khi thực hiện, ê-kíp đã mất nhiều tháng trời để chuẩn bị công nghệ, gặp gỡ làm việc với diễn viên và thử nghiệm chương trình.

Thực tế, kịch tương tác không còn là khái niệm mới mẻ trên sân khấu trực tiếp. Ở đó, khán giả vừa được theo dõi vở kịch, lại có thể tác động trực tiếp vào chiều hướng phát triển câu chuyện bằng cách tham gia phát triển vở diễn cùng diễn viên. Còn với khán giả xem qua truyền hình, họ thường buộc phải chấp nhận một cái kết định sẵn của vở kịch mà cái kết đó họ có thể hài lòng hoặc không đồng tình. Thế nên, sự ra đời của kịch tương tác truyền hình là một giải pháp chiều lòng khán giả, để họ có thể trực tiếp định đoạt số phận nhân vật trong tiểu phẩm theo ý mình.

Diễn viên Lý Chí Huy (Nhà hát Tuổi trẻ) nhìn nhận, việc diễn trên sân khấu kịch nói không xa lạ nhưng đưa lên truyền hình tương tác lại rất mới mẻ. Vì nghệ sĩ khi làm kịch thường đã chọn cho vở kịch một cái kết, nhưng bây giờ lại có đến 4-5, thậm chí có những vở 6-7 cái kết nên buộc các nghệ sĩ phải có nhiều sáng tạo và “có những lúc trong sự lựa chọn cái kết đó, chúng tôi lại tìm được một cái kết hay hơn cái kết cũ”.

Vẫn có những hạn chế

Bà Thanh Vân, đại diện Truyền thông của Truyền hình FPT nhìn nhận, tương tác trên truyền hình vẫn có những hạn chế nhất định như không có sự giao lưu giữa khán giả với diễn viên, giúp diễn viên có thể bắt được tâm tư của khán giả để chuyển hướng kịch như sân khấu trực tiếp. Tuy nhiên, vì truyền hình là một giao thức khác nên các tình huống, ngã rẽ đều được xây dựng trước để khán giả lựa chọn. “Những tình huống ấy được xây dựng theo xu hướng của số đông chứ không phải suy nghĩ cá nhân. Tôi nghĩ các tình huống sẽ làm hài lòng bộ phận số đông khán giả nào đó”, bà Vân cho biết.

Đồng quan điểm với bà Vân, NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị hợp tác sản xuất chương trình này đánh giá, rất khó để chiều lòng được hết khán giả vì mỗi người một ý. “Có Chúa mới biết được họ nghĩ gì khi xem kịch. Phần mình thì quay xong rồi, đã chọn những vở chất lượng nhất, đã có nhiều hướng rẽ, khán giả thích hay không tôi cũng không biết được”, anh chia sẻ.

Không chia sẻ về mức kinh phí cụ thể cho chương trình kịch tương tác nhưng bà Vân cho hay, đơn vị này đã phải đầu tư nhiều mặt về công nghệ với các máy móc, thiết bị, dồn nhiều nguồn lực để tập trung phát triển chương trình mới. Dự kiến, đơn vị sẽ hợp tác với nhiều sân khấu để mang tới hương vị đa dạng cho khán giả.

Căng thẳng làm kịch tương tác

NSƯT Chí Trung bộc bạch, việc hợp tác này chỉ là ngã rẽ trong nhiều hoạt động của nhà hát chứ không phải cứu cánh cho sân khấu kịch đang trong thời khó khăn. Anh mong muốn khán giả xem kịch trên truyền hình sẽ yêu mến sân khấu, rồi đến sân khấu để xem trực tiếp. Để đưa sân khấu kịch lên truyền hình có nhiều thách thức, trong đó có việc đổi mới và áp lực chất lượng vở diễn. Anh tiết lộ, nhà hát có rất nhiều vở kịch để bán cho những đơn vị chu đáo với điều kiện họ phải trả một khoản tiền bồi dưỡng nhất định. Cách đây 4 năm, Nhà hát Tuổi trẻ từng dự định bán một se-ri tiểu phẩm cho một đài truyền hình, nhưng do đài khó khăn về kinh tế nên việc hợp tác phải dừng lại. Lần này, FPT đã chuyển chi phí trước khi nhà hát làm kịch. Sẽ có 52 vở diễn trong một năm và hiện tại đã quay được 9 vở kịch.

“Nhiều kịch bản lần này là do đạo diễn Đinh Tiến Dũng viết với nhiều cái kết khác nhau. Có nhiều hướng rẽ cho tiểu phẩm và đạo diễn Dũng phải viết lại toàn bộ các hướng. Chúng tôi phải quay hết các hướng đó để khán giả có nhiều sự lựa chọn. Mỗi lần đến ngày quay là tối hôm trước tôi hoảng loạn vì lo lắng”, NSƯT Chí Trung chia sẻ.

NSƯT Chí Trung cho biết, cả nhà hát đã phải dừng mọi công việc để ghi hình từ sáng tới chiều với toàn bộ khả năng, đến tối ghi hình lại lần nữa với khán giả. Ngoài áp lực về sự đòi hỏi chất lượng cao hơn, yếu tố bất ngờ để khán giả không bị nhàm chán, lo lắng khác là không phải diễn viên nào cũng có thể diễn được kịch tương tác. Trong các diễn viên tham gia các vở diễn lần này, nhiều diễn viên lớn tuổi. Phải diễn một lúc 4, 5 trạng thái khác nhau cho các cái kết khác nhau là điều khó khăn. Chưa kể, nhiều vở diễn chỉ được phần đầu, toàn bộ phần sau là các hướng khác với những lời mới, nên diễn viên còn phải nhớ nhiều lời thoại khác nhau trong thời gian ngắn. Nghệ sĩ Chí Trung đã chỉ cho các diễn viên cách thức nắm được ý muốn truyền tải để diễn vì thuộc thoại là điều không thể. Anh cho rằng, còn quá sớm để đánh giá độ thành công của dự án này. Theo kế hoạch trước mắt, chương trình sẽ phát sóng đều đặn vào thứ 6 hàng tuần, rồi từ từ điều chỉnh theo ý kiến phản hồi của khán giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.