TTGT xử phạt một xe Uber tại Bến xe Miền Đông |
Tăng cường xử phạt Uber
Tổng số tiền phạt 27 trường hợp trên là hơn 79 triệu đồng. Trong đó, có 17 trường hợp không có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, hai trường hợp không có phù hiệu. Còn lại 8 trường hợp, do mới bị phát hiện và lập biên bản ngày 7/1 nên TTGT đang tiến hành thu thập thêm thông tin, xác minh hồ sơ.
Theo thông tin chúng tôi có được, một số trường hợp có giấy chứng nhận của hợp tác xã, tuy nhiên lại không có phù hiệu. Ông Lê Hồng Việt, Phó chánh TTGT, Sở GTVT TP HCM cho hay, nếu hợp tác xã chứng minh chủ xe là xã viên thì không xử lý về Giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, các phương tiện vi phạm vẫn bị xử phạt vì không có phù hiệu.
Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra và lập biên bản vi phạm, hầu hết tài xế, chủ xe, doanh nghiệp đã phản ứng. Họ cho rằng đơn vị hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, có đóng thuế cho Nhà nước. Và rằng, hành khách chấp nhận các điều khoản thì đăng ký chứ không cần thiết phải có hợp đồng vận chuyển giữa chủ xe và hành khách như xe truyền thống...
“Tuy một số chủ xe có hợp đồng với doanh nghiệp nhằm có chứng nhận kinh doanh vận tải hành khách nhưng chỉ để đối phó. Đến khi chúng tôi kiểm tra phương án kinh doanh thì không có đăng ký số lượng xe để Sở GTVT cấp phù hiệu theo loại hình hoạt động…”, ông Việt cho biết.
Cũng theo ông Việt, loại hình vận tải này chưa được pháp luật Việt Nam cho phép. Vì vậy, sử dụng phần mềm Uber để điều hành, kinh doanh vận tải hành khách dưới hình thức nào cũng đều trái Luật GTĐB và Nghị định của Chính phủ. Trong thời gian tới, ngoài các địa điểm đã và đang “làm gắt” như tại Sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn và trung tâm thành phố, lực lượng TTGT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra xe Uber ở nhiều khu vực trọng điểm trên địa bàn TP HCM.
Luật sư Nguyễn Doãn Hải, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: Xe Uber hay bất kỳ một loại hình kinh doanh vận tải nào khác, khi hoạt động ở Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, đại diện Uber không có đủ tư cách pháp nhân tại TP HCM cũng như tại Việt Nam, cung cấp phần mềm để thu tiền hành khách qua thẻ thanh toán quốc tế là cực kỳ nguy hiểm và bất hợp pháp. Nhà nước thất thu thuế, tiền chảy ra nước ngoài. Còn hành khách, nếu xảy ra sự cố hoặc TNGT thì ai sẽ chịu trách nhiệm một khi không biết “ông Uber” ở đâu. Bởi chủ xe không có hợp đồng vận tải hành khách theo quy định.
Tài xế không ký kết với Uber
Chiều qua (8/1), trao đổi với chúng tôi, một số tài xế xe Uber (xin giấu tên) khẳng định, họ không làm việc trực tiếp với Uber và cũng không có một văn bản ký kết nào giữa tài xế và Uber!
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, tài xế xe Uber cho biết, anh biết đến Uber là do bạn bè giới thiệu. Tháng đầu tiên làm việc anh được trả lương 7,5 triệu đồng và chi phí xăng dầu là do công ty đối tác của Uber trả. Tháng thứ hai trở đi, tài xế được trả theo “cuốc” , mỗi “cuốc” xe là 25 nghìn đồng. Tất cả chi phí về xăng xe, bảo dưỡng công ty lo. Thậm chí tiền bị TTGT xử phạt lỗi không có phù hiệu, không có giấy phép kinh doanh… cũng được bao hết”.
Theo anh Dũng, khi đến đăng ký làm tài xế xe Uber, anh được phỏng vấn và tập huấn chừng hai giờ để thành thạo kỹ năng sử dụng phần mềm Uber, liên kết với khách hàng như thế nào. Ngoài ra không có một văn bản hợp đồng, ký kết nào giữa tài xế, chủ xe hay Uber. Chỉ biết mỗi tháng anh được nhận 7,5 triệu đồng do chủ xe trả. Nếu có xảy ra tai nạn, thì tài xế là người chịu trách nhiệm.
Còn anh Võ Thanh Tâm, tài xế xe Uber không tiết lộ về sự ăn chia giữa chủ xe và Uber. Anh Tâm cho biết, thời gian làm việc tự do, có khách thì chạy. Chủ xe không làm việc trực tiếp với Uber mà qua một công ty trung gian. Bên công ty này chịu trách nhiệm về đóng thuế và giấy phép kinh doanh giữa hai bên mà không có văn bản hợp đồng, cam kết.
Về việc đóng thuế và đăng ký giấy phép kinh doanh để hoạt động xe Uber như thế nào, chiều 8/1, một phụ nữ đại diện Uber trả lời phóng viên: “Uber có hợp tác với những công ty vận chuyển có đăng ký giấy phép kinh doanh với Nhà nước. Chúng tôi là cầu nối giữa các công ty vận tải hoặc các chủ xe cá nhân và người sử dụng. Về vấn đề nộp thuế, trước khi hợp tác với công ty vận tải phía Việt Nam, chúng tôi có hợp đồng thỏa thuận phía đối tác (công ty vận chuyển) được hưởng 80% sẽ chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản thuế…”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về các công ty hợp tác thì đại diện Uber từ chối tiết lộ.
Phía đại diện Uber cho biết, vừa ra mắt sản phẩm mới UberEXEC (chất lượng thương gia), một dịch vụ mới cao cấp hơn tại TP HCM.
Được biết, Uber đã mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam tại tòa nhà Vincom từ ngày 30/8/2014 theo Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP HCM cấp. Nhưng theo giấy chứng nhận này, ngành nghề kinh doanh là tư vấn quản lý, tiếp thị cho dịch vụ chứ không phải là vận tải. Dịch vụ chính của Uber thì do Uber phía Hà Lan (hoặc Mỹ) cung cấp và thu tiền, sau đó mới thanh toán lại cho các đối tác là doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam.
Mai Huyên - Đỗ Loan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận