Hội nghị góp ý một số nội dung chủ yếu trong Đề án “Cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên |
Ngày 23/2, Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị góp ý một số nội dung chủ yếu trong Đề án “Cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên (Đề án). Đề án do Ban nội chính T.Ư chủ trì soạn thảo.
Nhiều nơi thờ ơ trong xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo
Theo báo cáo của Ban Nội chính T.Ư về nội dung đề án, Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo. Theo đó, phải bảo đảm an toàn, bí mật cho người phản ánh, tố giác, tố cáo... Tuy nhiên, thực tế một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu quan tâm, thiếu tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo để bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo; Còn “phó thác” cho cơ quan chức năng, thiếu quyết liệt.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng thờ ơ, thiếu chủ động phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người phản ánh, tố giác, tố cáo; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo…
Vì vậy, mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo, tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, để người dân yên tâm, tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng. Ban Nội chính T.Ư cho biết sẽ từng bước nghiên cứu, đề xuất xây dựng riêng Luật Bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo.
Ban Nội chính T.Ư cũng kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, giao Ủy ban kiểm tra các cấp là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo có liên quan đến cán bộ, đảng viên.
Có cần Luật riêng để bảo vệ phản ánh, tố cáo?
Góp ý kiến, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thực tế chúng ta chưa làm tốt vấn đề này. Thậm chí, bản thân nhiều cơ quan có trách nhiệm phải bảo vệ người dân nhưng lại “quay mũi giáo” lại với họ.
Cũng theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, đề án đề cập cơ chế bảo vệ người dân nhưng lại không nói rõ ai là người bảo vệ. “Nhiều nơi còn hình thành lợi ích nhóm để xử lý một cách tiêu cực đối với người phản ánh, người tố cáo. Thậm chí, kể cả chính quyền, kể cả doanh nghiệp cùng bắt tay với nhau để làm xấu đi người tố cáo”, ông Nhưỡng nhấn mạnh. Ông dẫn chứng là có những nơi đơn thư cả tập nhưng không ai giải quyết. Ông Nhưỡng và các đại biểu đều đồng tình phải có chỉ thị của Bộ Chính trị để quán triệt tinh thần triển khai đề án này.
PGS. Bùi Xuân Đức, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cán bộ và nghiên cứu khoa học của Mặt trận băn khoăn, cơ chế bảo vệ hiện nay chúng ta chưa có, nhất là cơ chế bảo vệ người dân dám đấu tranh. Nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới thì Việt Nam là một trong những nước yếu nhất trong phản ánh đấu tranh, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Theo số liệu thống kê, Việt Nam chỉ chiếm 38% người dân tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế không cởi mở, tổ chức chưa rõ ràng” – ông Đức dẫn chứng.
Chia sẻ về kinh nghiệm bảo vệ người đấu tranh, người tố cáo, PGS. Bùi Xuân Đức cho rằng, cần phải hình thành cơ chế bảo vệ hữu hiệu người tố cáo, chống tham nhũng như tiếp nhận thông tin, tố cáo; phản ánh qua điện thoại; tiếp nhận qua thư nặc danh; vấn đề xử lý, bồi thường vật chất và tinh thần; vấn đề khen thưởng, vinh danh và trách nhiệm của người xử lý…. Nếu cần thiết phải có Luật riêng để bảo vệ người phản ánh, tố cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận