17/31 tỉnh không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP
Báo cáo kinh tế thường niên của Trung Quốc được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đăng tải cho biết, 17/31 tỉnh Trung Quốc không đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế nước này tăng trưởng chỉ 6,6%, thấp nhất kể từ năm 1990.
Đáng lưu ý, Trùng Khánh, nơi từng là khu vực phát triển nhanh nhất của Trung Quốc lại trở thành tỉnh có tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 tại đây chỉ đạt 6% so với mức tăng trưởng 9,3% năm 2017 và thấp hơn 2,5% so với mục tiêu 8,5% đặt ra vào đầu năm.
Trong khi đó, Quảng Đông, tỉnh thành thịnh vượng nhất của đất nước tỷ dân cũng bỏ lỡ mục tiêu 7%, chỉ đạt 6,8% trong năm ngoái.
Tăng trưởng GDP của tỉnh Giang Tô, một trong những trung tâm kinh tế tư nhân của Trung Quốc, chỉ đạt 6,7% so với mục tiêu đặt ra là trên 7%, ngay cả khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực hỗ trợ khu vực tư nhân để giảm đi các lo lắng về tình trạng thất nghiệp.
Nhà phân tích Xiong Yuan của hãng tư vấn Guosheng Securities cho rằng, chính quyền các tỉnh thành của Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu không đúng với thực tế tăng trưởng. Trong khi căng thẳng bởi sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang trở nên rõ ràng hơn.
Khoảng cách khu vực giàu - nghèo ngày càng tăng
Số liệu về GDP năm 2018 của các tỉnh tại Trung Quốc cũng cho thấy khoảng cách chênh lệnh ngày càng xa giữa các tỉnh giàu có nhất so với thời điểm trước đây.
Với GDP năm 2018 là 7,65 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,13 nghìn tỷ USD), Sơn Đông vẫn giữ được vị trí là địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ 3 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc năm 2018.
Trung Quốc đang ngày càng giàu hơn, tỷ lệ tăng trưởng của nước này sẽ bị chậm lại. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại với Mỹ làm tăng thêm viễn cảnh ảm đạm.
Chuyên gia kinh tế Mark Williams
của Capital Economics
Tuy nhiên, khoảng cách với hai tỉnh hàng đầu, Quảng Đông và Giang Tô đang gia tăng thêm so với năm 2017, lần lượt là 370 tỷ nhân dân tệ (54,56 tỷ USD) và 290 tỷ nhân dân tệ (42,76 tỷ USD).
Theo các chuyên gia kinh tế, sự gia tăng mức chênh lệch tăng trưởng này đã cho thấy sự phức tạp của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc của Trung Quốc, những khu vực từng là trung tâm của các ngành công nghiệp và doanh nghiệp của đất nước, giờ đây không chỉ đứng ở cuối danh sách, mà còn đang phải ra sức nỗ lực nâng cấp chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng chảy máu chất xám và gian lận thống kê.
Ngược lại, các tỉnh phía Tây Nam xa xôi của Trung Quốc, bao gồm Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Tây Tạng lại đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh hơn vào năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các tỉnh này cũng được dự báo là sẽ có xu hướng chậm lại hoặc đình trệ.
Khu tự trị Tây Tạng vẫn đứng cuối danh sách với GDP năm 2018 đạt 140 tỷ nhân dân tệ (20,64 tỷ USD). Mức tăng trưởng này lại càng kéo xa khoảng cách với trung tâm tài chính Thượng Hải thêm 3,13 nghìn tỷ nhân dân tệ (461 tỷ USD), trong khi khoảng cách tương tự trong năm 2017 là 2,88 nghìn tỷ nhân dân tệ. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Trung Quốc vào cuối năm vừa qua đã đưa ra chính sách mới để phối hợp và tái cân bằng phát triển khu vực tốt hơn, với mục đích cải thiện cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính cho các khu vực kém phát triển.
Hãng tư vấn Trivium tại Bắc Kinh cho rằng, nếu các nhà hoạch định chính sách có thể thành công trong kế hoạch mới, thì hiệu quả không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh giàu, nghèo mà còn đem lại cho hiệu quả kinh tế vĩ mô và tăng trưởng cho Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận