Vợ con phải về quê ở Nha Trang để sinh sống, còn ông Vân ở lại Đà Lạt… chờ đợi hầu tòa |
Một doanh nghiệp mua mảnh đất bán đấu giá hơn 37 tỷ đồng, tiền đã trả và sổ đỏ cũng đã sang tên nhưng 8 năm qua chưa nhận được tài sản. Còn chấp hành viên bán đấu giá thì bị khởi tố nhưng 7 năm qua cũng chưa xử xong. Một vụ án kỳ lạ có dấu hiệu oan sai?
Kỳ 1: “Treo” án 7 năm vẫn chưa xét xử
Ông Nguyễn Long Vân, nguyên chấp hành viên, Phó trưởng Thi hành án TP Đà Lạt vừa có đơn kêu oan tới Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao sau gần 7 năm bị khởi tố.
Chờ 7 năm vẫn chưa thể kết tội
Ngày 14/6/2011, ông Vân bị khởi tố về tội “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt, khi đó ông đang là Phó trưởng THA TP Đà Lạt. Tuy nhiên, đến năm 2014, ông Vân bị thay đổi tội danh thành “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, điều 285 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, vào tháng 7/2008, chấp hành viên Cao Thị Thanh Thuỷ tổ chức thi hành một bản án buộc bà Phạm Thị Hồng phải trả cho người được THA số tiền hơn 14 tỉ đồng. Chấp hành viên Thuỷ đã tổ chức bán một phần diện tích đất (trong tổng số hơn 3.000m2) của bà Hồng tại 357 Phan Đình Phùng, Đà Lạt nhưng không có người mua nên bà Thuỷ buộc phải tiếp tục giảm 10%. Cùng lúc này, bà Hồng phải có nghĩa vụ thi hành cho một bản án khác với số tiền hơn 33 tỉ đồng. Tổng cả hai bản án mà bà Hồng phải thi hành là hơn 48 tỉ đồng. Do số tiền mà bà Hồng phải thi hành quá lớn nên Chi cục THA TP Đà Lạt đã giải toả kê biên tài sản của Hội đồng bà Thuỷ, thành lập hội đồng kê biên toàn bộ diện tích đất (hơn 3.000m2) của bà Hồng giao cho ông Vân làm Chủ tịch.
Cáo trạng buộc tội mơ hồ Theo luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP HCM), cáo trạng buộc tội ông Vân về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là không có cơ sở. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của TAND tỉnh Lâm Đồng đã nêu rất rõ từng vấn đề. Điều này cho thấy cáo trạng đưa ra để buộc tội ông Vân vẫn còn rất mơ hồ, thiếu tính lý luận và những căn cứ quy định của pháp luật. Việc CQĐT cho rằng bà Hồng bị thiệt hại hơn 17 tỉ đồng trong định giá cũng chưa thuyết phục. Trường hợp giá có chênh lệch đi nữa cũng không thể đổ lỗi cho ông Vân vì Hội đồng định giá được quyết định theo đa số. |
Hội đồng của ông Vân đã đưa ra 2 phương án để đem ra đấu giá: một là đấu giá toàn bộ diện tích đất, hai là đấu giá một phần diện tích đất của bà Hồng. Chấp hành viên Nguyễn Long Vân đã chọn phương án 1 để đem ra bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 37 tỉ đồng. Công ty Phương Trang Đà Lạt đã mua trúng đấu giá cao hơn so với giá khởi điểm khoảng 50 triệu đồng.
Sau đó, ông Vân bị khởi tố vì CQĐT cho rằng ông Vân đã tự ý chọn phương án 1 mà không đưa ra hội đồng định giá biểu quyết nên gây thiệt hại cho bà Hồng hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên trao đổi với Báo Giao thông, ông Vân cho rằng, do phải thực hiện 2 bản án của bà Hồng nên việc Hội đồng đưa ra 2 phương án là để khi đấu giá nếu bán được một phần diện tích kê biên thì sẽ thực hiện một bản án trước, nếu bán được toàn bộ diện tích kê biên thì thực hiện luôn cả hai bản án. “Cả hai phương án đều do Hội đồng định giá đưa ra và đúng với quy định của pháp luật”, ông Vân khẳng định.
Kể từ ngày bị khởi tố đến nay đã gần 7 năm, rất nhiều lần các cơ quan tố tụng trả hồ sơ nhưng TAND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa thể tuyên ông Vân phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. “Tôi không phạm tội như cáo trạng quy kết. Lệnh khởi tố đã biến cuộc sống của tôi và gia đình chìm trong đau khổ. Vợ con phải về quê ở Nha Trang để sinh sống, còn tôi ở lại Đà Lạt… chờ đợi. Mà không biết chờ đợi tới bao giờ”, ông Vân chia sẻ.
Căn cứ buộc tội không hợp lý
Ngày 28/4 vừa qua, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên toà xét xử sơ thẩm, tại phiên toà ông Vân đã kêu oan. Dù mới kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Lý do mà toà đưa ra: Những căn cứ để kết luận ông Vân gây thiệt hại cho bà Hồng hơn 17 tỷ đồng như cáo trạng nêu là chưa hợp lý.
Cụ thể, Hội đồng của ông Vân định giá tài sản của bà Hồng trị giá hơn 10 triệu đồng/m2, nhưng Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự đưa ra là 14 triệu đồng/m2. Đây chính là căn cứ để buộc tội ông Vân gây thiệt hại cho bà Hồng. Nhưng định giá thế nào là đúng? Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự đã dựa vào Quyết định số 48/2008/UBND tỉnh Lâm Đồng để tính. Tuy nhiên, trong quyết định này chỉ quy định các hệ số (K): Như K vị trí, K giáp ranh… mà không quy định hệ số về K thị trường. Trong khi đó, Bộ Tài chính nêu rõ, giá K thị trường sẽ do Hội đồng thẩm định quyết định. Vậy nên hệ số K thị trường này khác nhau sẽ cho ra kết quả định giá khác nhau.
Nhưng theo cách hiểu của thị trường, giá theo thị trường là khi bán phải có người mua. Trước đó, Hội đồng của chấp hành viên Thuỷ đã đưa ra đấu giá là 11 triệu đồng/m2 (cao hơn hội đồng của chấp hành viên Vân) nhưng không ai mua. Vậy với giá 14 triệu đồng/m2 (mà CQĐT đưa ra) liệu có phù hợp với giá thị trường? Điều đáng nói nữa, Hội đồng của ông Vân định giá cao hơn so với giá của UBND tỉnh, Công ty Phương Trang Đà Lạt tham gia mua và đã trúng đấu giá công khai, hợp lý đảm bảo giá thị trường. Do vậy, căn cứ để kết luận ông Vân gây thiệt hại cho bà Hồng hơn 17 tỉ đồng là không hợp lý.
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận