Nhiều trường dân lập đã lên kế hoạch ôn tập cho kỳ thi Quốc gia 2015 |
Phụ huynh, học sinh trường công lo lắng
Chị Hoàn, phụ huynh một học sinh trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, vẫn chưa thấy trường của con lên kế hoạch ôn tập cho kỳ thi chung Quốc gia. “Hai năm trước, con gái đầu của tôi vào năm cuối cấp, cháu tham gia các lớp ôn tập của trường, học thêm bên ngoài, chọn được khối thi, trường ĐH để dự thi ngay từ đầu năm. Nay cậu út lại là khóa đầu áp dụng kỳ thi chung, dùng điểm thi để xét vào ĐH, tôi lo lắng quá mà chưa rõ trường THPT ôn luyện cho các con thế nào, trường ĐH sẽ tuyển sinh ra sao”, chị Hoàn băn khoăn.
Theo em Nguyễn Việt Khôi (học sinh lớp 12, trường THPT Tây Hồ, Hà Nội), hiện trường em vẫn chưa triển khai kế hoạch ôn tập tốt nghiệp, học sinh chỉ biết chọn các môn dự kiến lựa chọn cho cả tốt nghiệp và ĐH để học thêm bên ngoài.
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), đề thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. |
Trao đổi với Báo Giao thông, hầu hết các trường THPT công lập cho hay, vì Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra quy chế cụ thể và các trường ĐH vẫn chưa chốt hết phương án tuyển sinh, nên các trường vẫn đợi chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT và phương án tuyển sinh từ các trường ĐH, CĐ để lên kế hoạch ôn tập kỳ thi chung.
Theo thày giáo Nguyễn Tụ Tập, Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội), trường đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT, bởi nếu tổ chức khảo sát cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn hay ôn tập, nhỡ có gì thay đổi thì thêm phức tạp. Hơn nữa, việc ôn tập liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm nên cần có chỉ đạo từ cấp trên.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cũng cho rằng, khi nào có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể từ Bộ GD&ĐT, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh. Còn hiện tại, học sinh cứ chủ động ôn luyện theo chủ trương thi bốn môn lấy điểm xét tốt nghiệp, trong đó có một môn tự chọn.
Sự chủ động của các trường tư
Tuy nhiên, công tác ôn tập cho kỳ thi chung đã và đang được các trường THPT dân lập rốt ráo triển khai. Thày giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi có quyết định về kỳ thi Quốc gia, trường tổ chức khảo sát môn tự chọn cho học sinh đăng ký và lên kế hoạch ôn tập cuốn chiếu các môn thi.
“Chúng tôi vẫn triển khai dạy đủ chương trình quy định, chú trọng ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Riêng với các môn học sinh tự chọn, trường đã khảo sát, phân học sinh thành các lớp học riêng để ôn tập”, thày Lâm cho hay.
Thày giáo Nguyễn Hà Động, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Hà Nội cho hay, trường đã tổ chức khảo sát chất lượng ba môn thi bắt buộc, đồng thời thăm dò đăng ký môn tự chọn, qua đó xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp.
Để học sinh định hướng rõ hơn về việc chọn môn thi có ưu thế cho mình, nhà trường đã tổ chức nhiều đợt khảo sát nguyện vọng và tư vấn cho học sinh. Hiện nhà trường đã phân loại học sinh xong và đang tăng cường dạy nâng cao cho học sinh khá, giỏi để các em phấn đấu vào các trường ĐH, CĐ. Đối với học sinh trung bình, yếu, trường ôn tập để các em bảo đảm tốt nghiệp THPT.
Theo thày Nguyễn Hà Động, để đạt hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ, đề thi Quốc gia sẽ gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, từ yêu cầu cơ bản (đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT), tới nâng cao (để phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ). Vì vậy, ngay trong các bài kiểm tra thường xuyên hiện nay ở trường, các giáo viên đã xây dựng các dạng đề bài mang tính phân hóa. Và dạng đề bài này cũng sẽ áp dụng trong kỳ thi học kỳ I sắp tới.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận