Anh Đỗ Hoàng Thái Anh và ước mơ mang ngôn ngữ ký hiệu tới cộng đồng người điếc |
Xóa bỏ rào cản ngôn ngữ
Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2, chỉ đủ kê 4 chiếc bàn máy tính, tín hiệu báo cuộc gọi Facetime bất ngờ vang lên, chị Vũ Hoàng Lan vội đeo tai nghe, bật kết nối hình ảnh. Trên màn hình hiện lên một cô gái khua tay liên tục với gương mặt khá bức xúc như muốn nói rất nhiều nhưng không thể bật ra thành lời. Đáp lại bằng cử chỉ tương tự, vài phút sau chị Lan nói với một người khác vừa xuất hiện trong khuôn hình: “Chào chị, tôi là người phiên dịch, chị muốn nói gì với bạn ấy?...” Chứng kiến cuộc “truyền hình và tiếng” ấy khoảng 10 phút tôi mới thấu hiểu đó là nội dung phiên dịch giữa một người điếc đi xin việc với người tuyển dụng lao động.
"Vợ tôi cũng là một người điếc. Con trai tôi lại là một đứa trẻ bình thường nhưng biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với bố mẹ. Ngày chứng kiến tôi và đồng nghiệp ra mắt dịch vụ phiên dịch, cháu cũng bày tỏ nguyện vọng đi theo nghề của bố. Đó là niềm động viên vô giá đối với tôi”. Giám đốc Trung tâm Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu Đỗ Hoàng Thái Anh |
Tiếp sau đó, lại một cuộc gọi “không tiếng” khác diễn ra. Sau một hồi chăm chú nhìn cử chỉ của chàng trai trên màn hình, chị Lan vội ghi chép ra giấy vài gạch đầu dòng và số điện thoại rồi ra ký hiệu cho đầu dây bên kia chờ một chút và bấm số điện thoại: “Alo, có phải khách sạn… đó không? Tôi là người phiên dịch cho người điếc. Khách hàng của tôi muốn hỏi ngày 25/4 bên mình còn phòng nghỉ không?...”. Kết thúc cuộc gọi, chị Lan lại quay sang màn hình chàng trai đang chờ đợi và ra ký hiệu rằng khách sạn đã hết phòng, anh có muốn đặt chỗ khác hay không?… Cứ như thế, trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc/khiếm thính đã tiếp nhận 4 cuộc gọi đặc biệt như thế. Đây cũng là dịch vụ phiên dịch từ xa đầu tiên dành cho người điếc/khiếm thính tại Việt Nam.
Là một trong 3 phiên dịch viên của tổng đài, Hoàng Lan cho hay công việc của chị khá đặc biệt, không chỉ nghe hộ, nói hộ người điếc mà còn kiêm cả nhân viên tư vấn, “gỡ rối tơ lòng”. Từ những nhu cầu đặt đồ ăn, tìm nhà nghỉ… cho tới xin việc, giải quyết tranh chấp bên ngoài xã hội hay những mâu thuẫn về gia đình… bất kể trong trường hợp nào người điếc muốn nhân viên tổng đài đều có thể phiên dịch và tư vấn. “Dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu từ xa mà ngay cả đối với những sự việc nóng, nhân viên phiên dịch cũng có thể tới tận nơi để hỗ trợ người điếc”.
Kết nối người điếc với xã hội
Dịch vụ Tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu ra đời với mục đích mở ra nhiều cơ hội cho người điếc, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, kết nối người điếc và người nghe, mang mọi người tới gần nhau hơn… Ý nghĩa là vậy song từ dự định tới hiện thực đòi hỏi nỗ lực phi thường của người chủ dự án, Đỗ Hoàng Thái Anh, Phó chủ tịch Chi hội Người điếc Hà Nội.
Thái Anh kể, tuổi thơ thật may mắn khi có bố mẹ khích lệ, khơi dậy ý chí, nghị lực học hỏi để vượt ra khỏi vỏ bọc tự ti của đứa trẻ câm điếc bẩm sinh. “Sống trong tình yêu thương của gia đình từ nhỏ và chỉ khi bước ra ngoài xã hội để tìm việc kiếm sống, tôi mới thực sự thấy mình khác biệt với xã hội khi chẳng ai giao tiếp với mình bằng ký hiệu. Tôi bị ám ảnh bởi những nét chau mày, cái xua tay thậm chí cáu gắt của người thường khi tôi cố gắng tiếp cận họ”, Thái Anh tâm sự.
Thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 7,3 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 2,5 triệu người điếc và khiếm thính. |
Để có tiền theo học ngôn ngữ ký hiệu, kỹ năng sống, Thái Anh đã thử sức với mọi công việc từ làm nghề thủ công tới may vá, cửu vạn… Khi đã tự tin với vốn kiến thức của mình, anh tham gia các dự án đào tạo ngôn ngữ ký hiệu và sau này thành lập Trung tâm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tự mình quản lý và điều hành.
“Lần đầu tiên biết tới mô hình phiên dịch từ xa cho người điếc là năm 2014 khi được tham gia trại hè của cộng đồng người điếc tại Hàn Quốc. Tại nhiều nước phát triển, người điếc được phát phương tiện (máy tính bảng chuyên dụng-PV) và sử dụng miễn phí dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu 24/24h. Không những thế, người điếc còn được tạo điều kiện về việc làm và hưởng nhiều chế độ an sinh khác. Trong khi đó, người điếc tại Việt Nam vẫn còn khá thiệt thòi, thiếu thông tin và sự hỗ trợ từ phía xã hội. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, chỉ 4% người điếc tự tin sử dụng ngôn ngữ ký hiệu giao tiếp, 52% gặp rào cản về giao tiếp, số còn lại rất ít giao tiếp nếu có cũng chỉ là những nội dung cơ bản đơn giản”, Thái Anh chia sẻ.
Phải mất 3 năm ấp ủ ý tưởng, tới năm 2017 Thái Anh mới thực sự tự tin chia sẻ về mô hình dịch vụ Tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu với cộng đồng người điếc. Vạn sự khởi đầu nan, trong những ngày đầu, bước chân của Thái Anh đã tìm đến không biết bao gia đình người điếc để tìm hiểu và khảo sát nhu cầu thực tế. Giai đoạn chạy thử diễn ra khá suôn sẻ nhưng khó khăn về kinh phí vận hành. Bất ngờ, cơ hội hé mở khi Thái Anh được giới thiệu tham gia cuộc thi khởi nghiệp mang tên SDG Challenge 2017 do Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức. Ý tưởng về dịch vụ kết nối người điếc với cộng đồng đã được Thái Anh tự tin, mạnh dạn chia sẻ và truyền cảm hứng mãnh liệt tới ban giám khảo. Và rồi ước mơ của chàng trai điếc đã thành hiện thực khi dự án của anh đã giành chiến thắng với phần thưởng 15 nghìn USD. Khoản tiền tài trợ này đủ để Thái Anh vận hành Tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu qua video trong 8 tháng. Tới nay, sau hơn 2 tháng hoạt động chính thức, 28 khách hàng là người điếc/khiếm thính đã đăng ký dịch vụ với giá khuyến mãi 200 nghìn đồng/tháng. Với lượng khách hàng này, hiện tổng đài chỉ có thể phục vụ khách hàng trong giờ hành chính dù biết rằng nhu cầu vào ngày nghỉ là rất cao “Khó khăn về tài chính là một phần, bên cạnh đó việc thuyết phục người thân chịu giao tiếp với người điếc/khiếm thính qua dịch vụ cũng không hề dễ dàng bởi tâm lý nhiều gia đình muốn giấu vì sợ con xấu hổ bị trêu chọc. Tuy nhiên đó là cách suy nghĩ sai lầm và tai hại đối với trẻ điếc/khiếm thính”, Thái Anh nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận