Giá nhiều dịch vụ y tế cao song chất lượng chưa tương xứng |
Giá tăng nhưng chất lượng dịch vụ giảm
Theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, sau một thời gian triển khai giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 đã thể hiện nhiều bất cập. Giá nhiều loại dịch vụ y tế chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ, đây là điều bất hợp lý.
Điều này thể hiện khá rõ ở một số dịch vụ y tế, điển hình như dịch vụ nội soi tai mũi họng. Giá nội soi tai mũi họng được xây dựng căn cứ trên giá trị một máy rất đắt lên tới vài trăm triệu đồng, nhưng trên thực tế, các cơ sở y tế chỉ sử dụng máy khoảng dưới 100 triệu đồng, khiến giá cao bất hợp lý. Hoặc như việc xây dựng giá một giường bệnh phải có 1 - 1,3 nhân viên y tế chăm sóc, số lượng bác sĩ và điều dưỡng phải tuân thủ tỉ lệ 1 bác sĩ cần có 3 - 3,5 điều dưỡng. Tuy nhiên, thực tế tại rất nhiều các cơ sở khám chữa bệnh chỉ đạt mức 0,7 nhân viên, thậm chí là 0,4 - 0,5 nhân viên y tế/giường bệnh. Bên cạnh đó, một số loại trang bị tính vào chi phí giường nhưng giờ không còn dùng nữa hoặc không được trang bị như tiền: Màn, nước, máy hút ẩm... Ngoài ra, trong tiêu chuẩn định mức hiện nay, mỗi giường bệnh phải đảm bảo 5m2, nhưng hiện có những bệnh viện kê giường quá chật, rất khó di chuyển… Khi số giường bệnh quá nhiều mà nhân viên y tế không đảm bảo thì chất lượng dịch vụ y tế khó có thể tăng cao.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, mức giá liên Bộ Tài chính, Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng từ năm 2012, 2015 hiện không còn phù hợp. Bên cạnh đó, từ năm 2016, khi quy định thông tuyến huyện có hiệu lực, lượng người đến khám bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện tăng lên, do vậy cần điều chỉnh lại định mức giá của một số dịch vụ. Bộ Y tế sẽ cân nhắc dịch vụ nào có nguy cơ bị lạm dụng sẽ siết lại giá, như chiếu chụp, X-quang, nội soi...
Sau đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, Bộ Y tế dự kiến sẽ gom 18.000 dịch vụ xuống còn 3.000 - 4.000 dịch vụ để xây dựng mức giá cho phù hợp và thống nhất trên toàn quốc. |
Nhiều dịch vụ y tế sẽ giảm giá
Tại cuộc họp mới đây, sau khi bàn thảo đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất điều chỉnh 88 mức giá. Trong đó, 6 giá khám bệnh theo 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã, 42 giá ngày giường theo hạng bệnh viện và trạm y tế, 40 giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như: Siêu âm, X-quang, MRI, CT scanne, PET-CT, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, phục hồi chức năng…
Theo dự thảo, giá khám bệnh còn 20.000 - 35.000 đồng, siêu âm giảm gần 1,5 triệu đồng. Cụ thể, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 đề xuất giảm từ 39.000 đồng xuống 35.000 đồng; Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 đồng xuống 20.000 đồng... Với giá giường bệnh, dự kiến tăng với các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và giảm nhẹ ở bệnh viện hạng 3, 4. Cụ thể, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt từ 677.000 đồng sẽ tăng lên 751.000 đồng, tại bệnh viện hạng 1 cũng tăng lên 710.000 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 giảm từ 226.000 đồng xuống 215.000 đồng.
Giá các dịch vụ chụp X-quang, CT, siêu âm cũng sẽ giảm. Trong đó, dịch vụ siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm mạnh từ hơn 2 triệu đồng xuống còn chưa đến 600.000 đồng. Phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện từ gần 3,7 triệu đồng xuống còn 1,6 triệu đồng. Phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu đồng xuống còn gần 2,9 triệu đồng...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh hàng năm là cần thiết, để giải quyết bất cập trong thực tế. Việc điều chỉnh giá Thông tư 37 lần này cũng nhằm cân đối quỹ và chất lượng khám chữa bệnh. Việc điều chỉnh giá các dịch vụ dự kiến triển khai từ tháng 7/2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận