Bạn cần biết

Lái xe đường dài nên uống bao nhiêu nước tăng lực là đủ?

26/06/2015, 15:35

Để chống lại cơn buồn ngủ, họ thường uống nước tăng lực để “bổ sung” sức khỏe nhưng bao nhiêu là đủ?

81
Uống “Bò húc” khi lái xe - Ảnh: Trần Bá Thoại

Nhiều tài xế xe đường dài, đặc biệt ô tô khách, xe tải quen dùng các loại nước tăng lực để giải mệt, tránh buồn ngủ. Công dụng nước tăng lực là điều đã được khoa học kiểm chứng, ghi nhận thực tế. Nhưng lạm dụng nước tăng lực quá mức, dễ dẫn đến những tác hại khôn lường lại là điều ít người biết tới.

Vì sao uống tăng lực tỉnh táo hơn?

Ở Âu Mỹ, luật giao thông quy định, tài xế sau 8 tiếng ngồi vô lăng bắt buộc phải nghỉ ngơi. Nước ta cũng có những quy định tương tự. Tuy nhiên, thực tế tài xế xe tải, xe khách liên tuyến thường vẫn phải ôm vô lăng quá thời hạn quy định, và để chống lại cơn buồn ngủ, mệt mỏi trên hành trình dài ấy, họ thường uống nước tăng lực để “bổ sung” sức khỏe.

Trên thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều sản phẩm tăng lực, nào là :Red Bull (hay còn gọi là bò đỏ, bò húc); Rhino (tê giác), Gold Cow (bò vàng), Super Lion (siêu sư tử), Lipovitan (vitamin sống), Revive (hồi sinh)... nhưng thức uống được các tài xế sử dụng phổ biến vẫn là bò húc.

6 “quy tắc vàng” khi uống tăng lực

Khi uống tăng lực cần lưu ý:
- Lượng caffeine (tinh chất cà phê) nên uống dưới 500 mg/ngày (4 ly)
- Bò húc không ai nên uống quá bốn lon hoặc 1000 ml/ngày
- Cần cảnh giác với những tác dụng không mong muốn (undesirable effects) của tất cả sản phẩm “nước tăng lực”
-Phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi, người bệnh tim, đái đường hoặc có bệnh mãn tính không nên uống tăng lực
- Không uống tăng lực khi đang say rượu
- Tuyệt đối không uống sau khi làm việc nặng hay tập thể thao sức mạnh

Bò húc cũng như các loại nước tăng lực (energy drink) đúng như tên gọi có tác dụng tăng cường sức khỏe giúp người lao động làm việc sảng khoái và năng suất hơn. Thực tế, có nhiều loại nước tăng lực và tỷ lệ thành phần hơi khác nhau, nhưng tựu trung thành phần thường có: Caffeine, taurine, glucuronolactone (sau 2014 bị loại bỏ), các vitamin nhóm B, saccharose (đường mía), glucose (đường glucose). Người ta cũng sản xuất nước tăng lực không đường dành cho người béo phì, đái tháo đường, ở đây đường ngọt được thay thế bằng chất tạo ngọt (sweetener, đường hóa học) như acesulfame K, aspartame hay sucralose. Các loại nước tăng lực có tác dụng làm sảng khoái, khỏe khoắn và chống buồn ngủ chủ yếu nhờ hai thành phần taurine và caffeine.

Xét về các thành phần nước tăng lực, cụ thể như bò húc, giải pháp này hợp lý và khoa học: Caffeine làm tỉnh táo, chống buồn ngủ; taurine là một axit amin cho cảm giác sảng khoái, hưng phấn; các loại đường saccharose, glucose  cung cấp năng lượng; các vitamin nhóm B giúp tăng cường chuyển hóa chung.

Một nghiên cứu khoa học nghiêm túc của Joris Verster và các cộng sự, Đại học Ultrecht năm 2010 cho kết luận rằng, nước tăng lực Red Bull làm giảm buồn ngủ và tăng cường hiệu năng lái xe cho những tài xế đường trường. Với khẩu hiệu nổi tiếng “Red Bull gives you wings!” (Bò húc chắp cánh cho bạn), nhiều vận động viên đua xe thể thao cũng dùng nước tăng lực khi thi đấu. Bò húc cũng từng được giới phóng viên thể thao tôn vinh là “thức uống thể thao” (sports drink) thay cho tên thông thường là nước tăng lực.

Không lạm dụng

Thuốc, thực phẩm chức năng, thức ăn đều phải có liều, có lượng. Ăn quá nhiều sẽ bị bội thực như khi uống thuốc quá liều, ngay cả vitamin (thuốc bổ) nếu quá liều cũng gây bệnh thừa vitamin (hypervitaminosis) và gây nguy hiểm.

Một số tác dụng không mong muốn khi uống nước tăng lực đã được ghi nhận: Hồi hộp, nhịp tim nhanh, kích thích, buồn nôn, đau tức ngực, chóng mặt, mất thăng bằng, khó thở, đau đầu, khó ngủ. Uống nhiều caffeine có thể gây mệt mỏi hơn ở một số người, do tuyến thượng thận, nơi chế tiết hóc môn adrenalin bị quá tải vì lượng caffeine cao kéo dài.

Trong 10 năm qua, Trung tâm An toàn thực phẩm CAERS đã nhận được hơn 140 đơn khiếu nại về những tác dụng phụ chết người do uống nước tăng lực. Các nạn nhân này đều phải nhập viện và đã tử vong. Đã có những trường hợp gục chết tại bar vì uống nhiều rượu với bò húc, hay vận động viên chết trên sân vận động do tham lam tu một mạch bốn lon tăng lực này.

Do đó,  cần lưu ý nước uống tăng lực không phải là nước giải khát mà là một thực phẩm chức năng hay thực phẩm thuốc. Do đó, việc quá lạm dụng nước tăng lực dễ dẫn đến phản tác dụng.

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.