Đường bộ

Lái xe phải tiêm 1 mũi vaccine mới được vào Hà Nội: Nguy cơ đứt gãy vận tải

29/09/2021, 15:28

Quy định lái xe phải tiêm 1 mũi vaccine mới được vào Hà Nội sẽ gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải hàng hóa vào Thủ đô...

"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

Sở Công thương TP. Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tại hướng dẫn này, về yêu cầu nguyên tắc y tế đối với tài xế, người đi theo xe, Sở Công thương Hà Nội yêu cầu người điều khiển phương tiện, người xếp dỡ hàng hóa theo xe, ngoài việc phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế phải được tiêm tối thiểu một mũi vaccine phòng chống Covid-19.

img

Doanh nghiệp lo ngại sẽ đứt gãy chuỗi vận tải hàng hóa khi quy định lái xe phải tiêm vaccine và xét nghiệm PCR khi vào Hà Nội - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, lái xe, người theo xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCT hoặc test nhanh kháng nguyên SAR-COV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi tham gia vận chuyển mang theo giấy chứng nhận xét nghiệm và giấy chứng nhận đã tiêm vaccine.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định của Sở Công thương Hà Nội đang trái với Chỉ đạo của Thủ tướng, quy định của Bộ Y tế, thậm chí trái với ngay cả Chỉ thị 22 của UBND TP. Hà Nội khi UBND thành phố không yêu cầu bắt buộc lái xe vận tải hàng hóa phải tiêm vaccine.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng điều độ Công ty CP phần vận tải thực phẩm 5 sao - đơn vị có 30 xe tải chuyên vận chuyển hàng thực phẩm cho rằng, việc test PCR mất nhiều thời gian, nếu ở Hà Nội sau 6 tiếng mới có kết quả, trường hợp ở tỉnh ngoài phải mất hơn 1 ngày. Quy định này cũng đang khiến doanh nghiệp tốn kém khoản chi phí lớn.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc phân bổ nguồn vaccine hiện đang gặp nhiều khó khăn, hiện nhiều đối tượng chưa được tiêm.

"Việc tiêm vaccine và xét nghiệm cho lái xe đang là bài toán nan giải đối với doanh nghiệp vận tải. Trên chỉ đạo thống nhất nhưng dưới lại làm khác, quy định của Sở Công thương chưa phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội, người dân không có điều kiện thực hiện. Trên chưa yêu cầu nhưng dưới bắt phải làm ngay, người dân không có điều kiện thực hiện là trái với quy định của pháp luật. Mỗi địa phương có quy định riêng, còn nhiều tỉnh lái xe chưa được tiêm mũi 1, “ngăn sông cấm chợ” sẽ gây khó cho toàn xã hội, nguy cơ đứt gãy chuỗi vận tải hàng hóa", ông Liên nêu vấn đề.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế cũng không bắt buộc lái xe vận tải phải tiêm vaccine, ngay cả Chỉ thị 22 của UBND TP. Hà Nội cũng không quy định lái xe và người theo xe phải tiêm 1 mũi vaccine mà chỉ yêu cầu xét nghiệm, thực hiện nguyên tắc 5K và các yêu cầu phòng chống dịch.

"Quy định này cho thấy đang có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong phòng chống dịch Covid-19, mạnh ai đấy làm. Mặc dù Chính phủ, các Bộ đã có nhiều chỉ đạo, nhưng thực tế thời gian qua, nhiều địa phương ban hành các biện pháp phòng chống dịch khắt khe, không thống nhất với chỉ đạo, gây ùn tắc vận chuyển hàng hóa", ông Ngọc Anh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, nhiều địa phương khác đang dự thảo hướng dẫn vận tải theo hướng lái xe chỉ cần đáp ứng một trong ba điều kiện, hoặc người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, hoặc có xét nghiệm.

Sở Công thương Hà Nội đưa ra yêu cầu lái xe phải đáp ứng cả 2 điều kiện là không cần thiết và không theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế.

Chính phủ, Bộ Y tế không quy định bắt buộc lái xe phải tiêm vaccine mà chỉ yêu cầu thực hiện nguyên tắc 5K và các yêu cầu về phòng chống dịch.

Quy định của Sở Công thương gây khó cho hoạt động vận tải, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, lái xe tải đang thiếu hụt trầm trọng. Việc đưa thêm các điều kiện khác với chỉ đạo chung khiến doanh nghiệp vận tải càng thêm khó khăn. Đây cũng chính là quy định gián tiếp làm đứt gãy lưu thông hàng hóa.

"Bộ GTVT cũng có hướng dẫn tạm thời về vận tải hàng hóa, quy định của Sở Công thương Hà Nội đang đi ngược lại chỉ đạo chung của Chính phủ và các Bộ, ngành. Tình trạng này cũng gặp tương tự ở nhiều địa phương khác. Đúng ra sở Công thương phải là đơn vị đưa ra những quy định có tính cởi mở hơn cho lưu thông hàng hóa, nhưng lại đưa ra các quy định gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa", ông Quyền nói.

Cần thống nhất quy định chung

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Sở Công thương chỉ nên quản về các mặt hàng, hàng hóa được phép vận chuyển được phép ra vào thành phố trong điều kiện phòng chống dịch. Việc quản lý về điều kiện phòng chống dịch đối với con người, cụ thể là lái xe vận tải nên để sở y tế quy định.

“UBND TP. Hà Nội cần có hướng dẫn phương án vận chuyển hàng hóa thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, không để mỗi sở của thành phố ban hành văn bản quy định riêng, gây chồng chéo giữa các sở, ùn tắc vận chuyển hàng hóa”, ông Ngọc Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, cần phải tuân thủ theo quy định chung theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Quy định khác biệt sẽ khiến phương tiện từ các địa phương khác gặp khó khi vào Hà Nội.

"Sở GTVT Hà Nội dự thảo hướng dẫn, sau đó xin ý kiến của Sở Y tế, Sở Công thương và các sở, ngành khác. Trên cơ sở đó, trình UBND thành phố ký ban hành hướng dẫn hoạt động vận tải. Sở Công thương ban hành hướng dẫn không phù hợp, nhất là lại liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của sở Y tế, sở GTVT", ông Quyền nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, nếu nhận được phản ánh của doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động Tổng cục Đường bộ VN sẽ có ý kiến đóng góp.

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông chiều nay (29/9), ông Đào Việt Long - PGĐ Sở GTVT Hà Nội từ chối trả lời về nội dung trên và cho rằng, Sở Công thương hướng dẫn việc này nên mới nắm rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.