Vận tải

Làm rõ nguyên nhân hàng loạt sự cố máy bay Vietjet

28/12/2018, 07:00

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hàng không phải coi an toàn là tối thượng.

10

Vietjet hiện có 63 máy bay, tăng 11 máy bay (tương đương 21%) so với năm 2017; 666 người lái (bao gồm 338 lái trưởng, 299 lái phụ và 29 phi công học viên)

Truy rõ nguyên nhân 

Vấn đề đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhiều lần nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn trưa qua (27/12) với Hãng hàng không Vietjet. “Chúng ta phải đánh giá được nguyên nhân của các sự cố, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp trúng và đúng, bao gồm cả giải pháp trước mắt và lâu dài, căn cơ”, Bộ trưởng nói và cho rằng, các cơ quan liên quan cần làm rõ, sắp tới phải triển khai những việc gì để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Báo cáo Bộ trưởng về các sự cố hàng không gần đây của Vietjet, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, với vụ việc xảy ra tại Buôn Ma Thuột, hiện tại việc điều tra phía Việt Nam đã cơ bản xong, cần chờ thêm một số thí nghiệm bổ sung liên quan đến chất lượng vật liệu của càng và lấy ý kiến cơ quan điều tra tai nạn của Pháp. 

Theo ông Thắng, sau khi giải mã hộp đen, khám nghiệm hiện trường, làm việc với các bên có liên quan, cơ bản khẳng định, quá trình cất cánh, bay bằng và tiếp cận không có vấn đề gì, chỉ có khâu tiếp đất là có vấn đề. Trong sự cố này bước đầu có thể nhận định có phần lỗi của tổ lái trong quá trình tiếp đất.

Thông tin thêm, ông Thắng cho hay, hiện tàu bay này vẫn đang ở Buôn Ma Thuột. Dự kiến sẽ thiết lập một hangar di động tại đây để sửa chữa.

Với sự cố hạ cánh nhầm tại Cam Ranh, ông Thắng cho biết, sau khi máy bay cất cánh, phát hiện cảnh báo hệ thống dầu thuỷ lực giảm, tổ bay xin quay lại để kiểm tra. 

“Theo chúng tôi đánh giá, nếu tổ bay quyết định về TP HCM thì tốt hơn vì tại Cam Ranh, tổ bay phải chờ 15 phút để lấy độ cao và hạ cánh, bằng khoảng thời gian bay về TP HCM trong khi tại TP HCM, điều kiện khẩn nguy, sửa chữa bảo dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, tổ bay quyết định về Cam Ranh. Tất nhiên, về lý thuyết không có gì sai. Thứ hai, việc mất áp suất thuỷ lực của càng trước không phải vấn đề nghiêm trọng. Như vậy, nhận định của tổ lái về sự cố không chính xác. Trong quá trình hạ cánh, tổ bay cũng không tham vấn mặt đất để cùng đánh giá tình huống”, ông Thắng phân tích. 

Cũng theo ông Thắng, do đánh giá tình huống không chuẩn, cơ trưởng bị tâm lý, lo lắng trong quá trình lái. Khi tiếp cận, tổ bay đã tiếp cận lệch. Mặc dù kiểm soát viên không lưu nhắc là đã lấy đúng trục của đường cất/ hạ cánh chưa, phi công vẫn khẳng định đúng. 

Đồng quan điểm với đánh giá của Cục Hàng không VN, Phó tổng giám đốc Vietjet Tô Việt Thắng nói: “Vietjet luôn đặt an toàn lên hàng đầu và nhận thức rõ đây là vấn đề sống còn của một hãng hàng không. Ngay sau sự cố, chúng tôi đã thành lập tổ điều tra và khắc phục sự cố, đồng thời tăng cường cán bộ quản lý, giám sát các hoạt động khai thác bay và bảo dưỡng ở các sân bay”, đồng thời cũng cam kết thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục Hàng không VN. 

An toàn hàng đầu, doanh thu lợi nhuận xếp sau 

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa khẳng định: An toàn hàng không phải đặt lên trên hết. Doanh thu, lợi nhuận phải xếp sau. “Chỉ một vụ tai nạn xảy ra thôi, thiệt hại sẽ vô cùng thảm khốc. Ngay bản thân hãng, không chỉ mất uy tín mà thậm chí còn có thể dẫn tới phá sản”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu Cục Hàng không VN phải rà soát lại chất lượng phương tiện, trình độ năng lực phi công nói chung và phi công Vietjet nói riêng, rà soát lại công tác đào tạo. “Phải xem lại năng lực phi công”, Bộ trưởng nói. 

Đặt câu hỏi chúng ta có nhiều sân bay có 2 đường băng, nhưng tại sao không xảy ra đáp nhầm tại các sân bay khác mà chỉ có Cam Ranh bị, Bộ trưởng yêu cầu cần điều tra, phân tích kỹ càng về sự trùng hợp này. Đối với lực lượng cán bộ kỹ thuật, Bộ trưởng lưu ý, đây là lực lượng lao động có vai trò quan trọng không kém gì phi công. 

“Cán bộ kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, quyết định lớn trong an toàn chuyến bay. Chỉ có chữ ký của họ thì chuyến bay mới được cất cánh. Do đó, phải rất quan tâm đến chất lượng của đội ngũ này”, Bộ trưởng chỉ rõ và yêu cầu Cục Hàng không VN cần sớm có kết luận các sự cố gần đây, công bố rộng rãi, công khai minh bạch để nhân dân được biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.