Điều tra

Lâm tặc ngang nhiên phá rừng phòng hộ Buôn Đôn

07/08/2017, 07:23

Lâm tặc ngang nhiên đưa xe và cưa máy vào “xẻ thịt” rừng phòng hộ Buôn Đôn.

21

Nhiều cây gỗ có đường kính 50 - 60cm vừa bị lâm tặc đốn hạ

Lâm tặc ngang nhiên đưa xe và cưa máy vào “xẻ thịt” rừng phòng hộ Buôn Đôn. Những điểm tập kết gỗ nằm sát QL29, lâm tặc hoành hành khai thác gỗ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng không xa, nhưng cơ quan chức năng không hay biết.

Tan hoang rừng phòng hộ

Một ngày đầu tháng 8, trong vai người dân bản địa vào rừng hái măng, PV “đột nhập” rừng phòng hộ Buôn Đôn (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Từ trung tâm xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), PV đi lên QL29 về hướng tỉnh lộ 1 (huyện Buôn Đôn), di chuyển trên QL29 được khoảng 15km, dấu hiệu rừng phòng hộ Buôn Đôn đang bị “xẻ thịt” bắt đầu hiện ra. Nằm ngay bên vệ đường (tại cột móc Km221, QL29) cây bằng lăng có kích cỡ một người ôm không xuể vừa bị đốn hạ, phần thân đã được cắt gọn dài 4m, chưa được lấy đi, cành lá ngổn ngang.

Theo ông Lê Danh Khởi, rừng phòng hộ Buôn Đôn có diện tích 10.229 ha, nằm trọn trong địa giới hành chính của xã Krông Na (Buôn Đôn) gồm 10 tiểu khu. Trong đó, 5 trạm quản lý bảo vệ rừng thường xuyên 24/24h. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban đã phát hiện 5 vụ khai thác gỗ với sản lượng 5,29m3 gỗ các loại, 2 vụ khai thác rừng làm nương rẫy với diện tích 3,02ha.

Tiếp tục di chuyển về hướng tỉnh lộ 1, hai bên đường, những cây gỗ dầu đường kính từ 10 - 15cm bị đốn hạ, dấu vết cày xới, kéo gỗ của xe công nông để lại rõ rệt. Nhóm PV giấu xe vào bụi cây rồi lội bộ men theo con đường mòn dẫn vào rừng. Tại tiểu khu 454, cách QL29 khoảng 300m, PV bắt gặp 2 cây gỗ đường kính khoảng 50cm vừa bị cưa hạ, phần thân đã được lâm tặc cắt khúc đoạn khoảng 3m, xẻ hộp và lấy đi. Rời vị trí trên, đi về hướng đỉnh núi, một cây gỗ khác to cỡ 2 người ôm cũng vừa bị “xẻ thịt”, phần gốc đang còn ứa nhựa, phần thân đương nhiên đã biến mất.

Rời tiểu khu 454, PV băng qua QL29, tự mở đường để vào tiểu khu 453. Tại tiểu khu này, dấu hiệu "xẻ thịt" rừng phòng hộ càng rõ rết, cảnh tượng hoang tàn hơn. Những gốc cây 2 - 3 người ôm đã cũ, bên cạnh là những cây gỗ đường kính nhỏ hơn, dấu cưa để lại sắc lẹm, phần thân đã được xẻ phách mang đi, cành lá vừa kịp héo. Những dấu tích để lại khẳng định chắc nịch, rừng phòng hộ Buôn Đôn bị xẻ thịt trong suốt một thời gian dài.

Giáp mặt lâm tặc

Rời tiểu khu 453, chúng tôi quay ngược ra QL29 về hướng xã Ea Kiết, tại Km227, PV rẽ phải theo lối mòn cỏ mọc um tùm đi sâu vào rừng. Di chuyển khoảng 200m từ QL29 vào, trước mặt PV là một bãi tập kết gỗ tròn vừa mới bị “xẻ thịt”, có chiều dài từ 3-4m, nhiều cây gỗ rất to, một người ôm không xuể. Khoảng 15h, từ bãi tập kết gỗ, tiếng cưa máy rít lên liên hồi trên đỉnh núi hướng về Trạm bảo vệ rừng số 4. Chúng tôi quay ra QL29, lần theo hướng tiếng cưa máy đang gầm rú. Trước mặt chúng tôi là tiểu khu 436. Càng tiến sâu, hàng loạt cây gỗ đường kính khoảng 20cm vừa bị cưa hạ đổ ngổn ngang, lá vẫn tươi rói. Tiếp đó là 2 bãi gỗ được cắt vuông vắn đang chờ bốc đi. Lúc này, PV áp sát vị trí lâm tặc đang hoành hành, ống kính ghi nhận nhóm lâm tặc có 4 người, một xe cày và cưa máy đang hoạt động hết công suất. Tiếng gỗ đổ ầm ầm, phần thân nhanh chóng được cắt gọn rồi được 3 người còn lại cẩu lên xe.

Khoảng 17h30, trời bắt đầu sập tối, nhóm lâm tặc cho xe rời khỏi rừng. Chiếc xe cày chở đầy gỗ ì ạch bò ra hướng QL29. Thấy hai bãi gỗ tập kết, tài xế dừng lại chờ bốc nhưng ba người đi phía sau hô lớn: “Đi đi... Ngày mai mở đường rồi vào bốc”. Sau đó, xe tiến về hướng QL29 rồi tập kết gỗ ngay bên đường (cách QL29 khoảng 3m), còn nhóm lâm tặc mất hút về hướng xã Ea Kiết.

Trạm quản lý bảo vệ rừng “cửa đóng then cài”

Điều đáng ngạc nhiên, trong suốt thời gian PV ghi nhận, những cánh rừng phòng hộ Buôn Đôn bị lâm tặc ngang nhiên “xẻ thịt”, những vị trí khai thác và tập kết gỗ nằm rất gần Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 (thuộc Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Buôn Đôn) nhưng trạm này “cửa đóng then cài”.

Trước những hình ảnh ghi nhận được, ngày 4/8, PV Báo Giao thông đã có cuộc làm việc với ông Lê Danh Khởi, Giám đốc Ban Quản lý bảo vệ rừng Buôn Đôn. Ông Khởi cho biết: “Rừng do đơn vị quản lý nằm giáp với huyện Cư M’gar, huyện Ea Súp và Buôn Đôn. Nhu cầu về gỗ của nhân dân 3 huyện này rất lớn nên có những áp lực không nhỏ tác động đến lâm phần và không tránh khỏi việc phá rừng. Nếu có thông tin này (khai thác gỗ mà PV cung cấp), tôi sẽ cho kiểm tra lại. Các trạm quản lý bảo vệ rừng thường xuyên có người trực 24/24h, một trạm quản lý 2.000ha nhưng do lực lượng quá mỏng nên rất khó khăn vì lâm tặc rất manh động”.

Khoảng 10h sáng cùng ngày, PV đã liên hệ với Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn để phản ánh. Tuy nhiên, có mặt tại cơ quan, nhóm PV được trực ban cho biết, tất cả các lãnh đạo của đơn vị đều bận, người đi họp, người đi công tác. Tiếp đó, PV đã liên hệ nhiều lần qua số điện thoại và nhắn tin đăng ký nội dung làm việc với ông Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn nhưng đều bất thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.