Bóng đá

Làn sóng cầu thủ Việt kiều dự tuyển bóng đá Việt Nam

18/03/2019, 07:00

Thời gian qua, khá nhiều cầu thủ mang dòng máu Việt Nam đang thi đấu ở nước ngoài ngỏ ý muốn trở về Việt Nam chơi bóng...

img
Alexander Đặng (áo xanh) đang chơi bóng tại Na Uy

Thời gian qua, khá nhiều cầu thủ mang dòng máu Việt Nam đang thi đấu ở nước ngoài ngỏ ý muốn trở về Việt Nam chơi bóng, khoác áo đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, theo HLV Park Hang-seo, quá trình thu nhận nếu có cần phải có sự chọn lọc kỹ càng.

Bóng đá Việt hút Việt kiều

Thời gian qua, khá nhiều cầu thủ mang dòng máu Việt Nam (có bố hoặc mẹ là người Việt Nam) đang sinh sống, thi đấu tại nước ngoài bày tỏ mong muốn về Việt Nam thi đấu, khoác áo đội tuyển Việt Nam. Có thể kể ra đây một số cái tên như: Alexander Đặng (quốc tịch Na Uy), Benjamin Nguyễn (quốc tịch Úc), Filip Nguyễn (quốc tịch CH Séc), Florentin Phạm Huy Tiến (quốc tịch Romania), Kenny Phi Hoàng Chandler (quốc tịch Mỹ). Trong số này, Alexander Đặng là người sốt sắng hơn cả khi khẳng định sẵn sàng trở về Việt Nam bất cứ khi nào có lệnh triệu tập từ HLV Park Hang-seo.

Những tín hiệu này cho thấy, sức hút của bóng đá Việt Nam đã tăng lên đáng kể nhờ những thành tích tốt tại Vòng chung kết U23 châu Á 2018 (Á quân), ASIAD 2018 (top 4), AFF Cup 2018 (vô địch) hay Asian Cup 2019 (top 8). Tuy nhiên, vấn đề cầu thủ Việt kiều cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện.

Những cầu thủ gốc gác Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài sở hữu ưu thế về thể hình, thể lực, phần nào đó là tư duy chiến thuật hiện đại. Bên cạnh đó là nhận được sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Dẫu vậy, điểm hạn chế của họ là khả năng thích nghi với môi trường mới rất kém. Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến cầu thủ quốc tịch Mỹ Lee Nguyễn thất bại trong việc khẳng định tên tuổi tại V-League nhưng khi về Mỹ, anh lập tức tỏa sáng.

Không riêng trường hợp Lee Nguyễn, hàng loạt cầu thủ Việt kiều khác như: Ludovic Casset, Toni Lê Hoàng, Nguyễn Thanh Giang, Patrick, Emil Lê Giang, Michel Lê… cũng đều không để lại ấn tượng khi thi đấu tại Việt Nam. Mạc Hồng Quân khá hơn một chút nhưng sau giai đoạn đầu tạm ổn, tiền đạo mang hai dòng máu Việt Nam - CH Séc đã chững lại. Cá biệt có trường hợp Đặng Văn Lâm đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, trở thành thủ thành số 1 đội tuyển Việt Nam và mới được CLB hàng đầu Thái Lan là Muangthong United chiêu mộ.

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh khẳng định: “VFF luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện giúp cầu thủ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài có nguyện vọng được về Việt Nam thi đấu, cũng như khoác áo đội tuyển quốc gia”. Đồng quan điểm, HLV Park Hang-seo tuyên bố, đội tuyển Việt Nam sẵn sàng chào đón cầu thủ Việt kiều nếu như họ đủ điều kiện, năng lực và có khát khao khoác lên mình màu áo đỏ.

img
Thủ môn Filip Nguyễn (quốc tịch CH Séc)

Ứng xử ra sao?

Thế nhưng, bản thân HLV Park Hang-seo cũng cho rằng, việc thu nhận cầu thủ Việt kiều cần có quá trình đánh giá tỉ mỉ, cẩn trọng để không bỏ lọt nhân tài nhưng cũng đảm bảo đầu vào chất lượng. Trong khi đó, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh nhấn mạnh: “Trước đây cũng có nhiều trường hợp về Việt Nam nhưng thất bại. Nên hiện tại và tương lai, VFF phải xem xét cụ thể từng trường hợp mới đưa ra quan điểm cuối cùng về việc có nhận hay không”.

Với góc nhìn người ngoài cuộc, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh bày tỏ quan điểm, VFF phải có cách ứng xử khéo léo để tạo ra một hình ảnh thân thiện, thu hút lâu dài cầu thủ Việt kiều về cống hiến cho quê hương chứ không phải ngày một ngày hai bởi lực lượng cầu thủ có dính dáng yếu tố Việt Nam ở nước ngoài số lượng không hề nhỏ.

“Theo tôi có hai cách để chúng ta ứng xử với họ chu toàn. Thứ nhất, VFF tổ chức những đoàn công tác, do HLV Park Hang-seo dẫn đầu đi sang nơi cầu thủ Việt kiều đang thi đấu để theo dõi, đánh giá năng lực chuyên môn, tư duy chơi bóng của cầu thủ. Đồng thời hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết để họ đủ điều kiện trở về nếu nhận được cái gật đầu của ông Park.

Cách thứ hai, VFF đài thọ chi phí tất cả những cầu thủ đang có ý định chơi bóng tại Việt Nam về nước và tổ chức tập huấn theo giáo án của đội tuyển Việt Nam. Ông Park vẫn phải là người trực tiếp theo dõi chứ không thể để cho các trợ lý phụ trách. Tôi tin chỉ 5-7 ngày, ai được ai không đều rõ ràng. Làm như vậy, chúng ta cho thấy sự công bằng, minh bạch, cầu thủ bị loại cũng không ấm ức. Từ đó càng kích thích những cầu thủ ở nước ngoài ấp ủ nguyện vọng khoác áo đội tuyển Việt Nam có thêm quyết tâm”, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh hiến kế.

Bình luận viên Quang Tùng lại có cái nhìn khắt khe hơn về cầu thủ Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông Tùng, những cầu thủ này có thể hình, thể lực, đào tạo chuyên nghiệp nhưng có phải ở đẳng cấp cao không mới là cốt lõi vấn đề. “Từ xưa tới nay, tôi chỉ thấy duy nhất Lee Nguyễn là cầu thủ có chất lượng quốc tế. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên cậu ấy không thể ở lại. Số còn lại đều quảng cáo là tập ở đội này, đội khác nhưng không có ai kiểm chứng. Hơn nữa, nếu họ thực sự có năng lực thì bản thân các đội bóng châu Âu cũng sẽ giữ lại”, ông Tùng phân tích.

“Theo tôi, thông điệp đã phát đi, mà phát đi lâu rồi chứ không phải mới. Chỉ là lực lượng cầu thủ gốc gác Việt Nam ở nước ngoài còn thiếu sợi dây liên kết với bóng đá Việt Nam, đa phần chỉ hoạt động đơn lẻ. Từ đây, tôi thấy VFF phải tạo ra mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, biến họ thành một kênh cung cấp thông tin cho bóng đá Việt Nam, tạo cầu nối cho cầu thủ có khát khao dễ dàng về nước. Quan trọng hơn, xác định nhận về thì phải giúp tăng trình độ chuyên môn của đội tuyển, cầu thủ đó phải nổi bật hơn đồng đội trong nước ở cùng vị trí chứ không lấy một cách ồ ạt”, bình luận viên Quang Tùng chốt lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.