Người dân cầm biển hiệu biểu tình phản đối THAAD |
Làng quê thanh bình thành tiền tuyến
Nỗi tức giận, phản đối THAAD thể hiện rõ trên con đường hẹp cắt ngang ngôi làng Seosongri, quận Seongju nơi có khoảng 170 người dân sinh sống. Thời gian gần đây, ngày nào cũng vậy, những người nông dân lâu đời tại khu vực quận Seongju, cách Thủ đô Seoul khoảng 200km về phía Nam, ngồi bên đường để biểu tình trong khi các phương tiện nườm nượp di chuyển thiết bị quân sự đến và đi từ khu vực sân golf cũ gần đó, nơi đang được thiết lập hệ thống THAAD.
“Bỗng một ngày, Seongju trở thành tiền tuyến trong căng thẳng bán đảo Triều Tiên”, một người nông dân trồng dâu, bà Park Soo-gyu, 54 tuổi chia sẻ trong nước mắt. “Ngày hôm nay, trong chiến tranh, người ta không đánh nhau bằng súng. Họ dùng tên lửa để bắn từ xa. Đâu sẽ là mục tiêu bị tấn công đầu tiên chứ? Chắc chắn là đây - nơi có hệ thống THAAD”, bà Park nói.
Người dân treo hàng trăm biển hiệu trên cây, hàng rào dài hàng km dọc con đường dẫn tới nơi triển khai tên lửa. Các biển hiệu có nội dung: “Rút THAAD ngay lập tức”, “dừng ngay chế độ quân sự hóa Mỹ”. Theo ghi nhận của phóng viên AP, khi có chiếc ô tô chở lính Mỹ đi qua, một người đàn ông hét lên: “Biến về nhà đi, Yankee (từ tiếng lóng ám chỉ binh lính Mỹ)” và đấm thùm thụp vào ô tô.
Làn sóng phản đối nổi dậy
Tình hình phản đối này bắt đầu lan rộng ra khắp đất nước Hàn Quốc. Nếu như trước đây, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, phần lớn người dân ủng hộ triển khai THAAD vì Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy dư luận bị chia rẽ trong bối cảnh bê bối tham nhũng của cựu Tổng thống Park và những chỉ trích cho rằng chính phủ bà quyết định lắp đặt THAAD mà không hề tham khảo ý kiến người dân. Tỉ lệ phản đối tăng cao hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Hàn Quốc nên trả 1 tỉ USD để nhận được sự bảo vệ của THAAD.
Dù chính quyền Tổng thống Trump đã rút lại yêu cầu đó nhưng vẫn khiến dư luận Hàn Quốc không khỏi bức xúc. Tờ Maeil Business của Hàn Quốc chỉ trích: “Tại sao ông Trump có thể chĩa mũi nhọn vào đồng minh khi ông biết rõ những khó khăn Hàn Quốc đang trải qua khi triển khai THAAD”.
Tờ Maeil Business viết: “Lý do Hàn Quốc quyết định thực hiện kế hoạch THAAD bất chấp sự phản đối kịch liệt từ Trung Quốc là vì họ coi trọng liên minh Hàn - Mỹ và những nhu cầu thực tế để bảo vệ Hàn Quốc trước các cuộc tấn công tên lửa Triều Tiên. Ông Trump nghĩ gì về liên minh Mỹ - Hàn vậy?”.
Người dân tại Seongju cho rằng, từ phát ngôn của ông Trump có thể thấy Mỹ đang chuẩn bị để tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Họ lo ngại, nếu Triều Tiên trả đũa, việc triển khai THAAD tại thị trấn này biến họ trở thành mục tiêu tấn công chính. Họ cũng bức xúc vì lực lượng cảnh sát, quân đội hiện diện dày đặc tại khu vực làng quê vốn thanh bình này.
Không chỉ vậy, người dân cũng lo lắng về những tin đồn sóng điện tử phát ra từ hệ thống THAAD sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người dân và mùa màng bất chấp Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phủ nhận, đó chỉ là những tin đồn thất thiệt.
“Chúng tôi đang sống cuộc sống yên bình như bao người nông dân khác bỗng dưng bị ảnh hưởng vì vũ khí rầm rập được chuyển tới. Chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, ông Kim Yoon-seong, 60 tuổi, một nông dân trồng dưa hấu chia sẻ. Cũng theo ông, rất nhiều người làng trẻ tuổi đang cân nhắc đưa con rời khỏi đây.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối leo thang thành đụng độ vào tuần qua giữa phe phản đối và ủng hộ THAAD khiến ít nhất 13 người bị thương. Khoảng 8.000 cảnh sát được điều động để đưa người biểu tình ra khỏi khu vực.
Chủ đề THAAD làm nóng tranh cử Tổng thống
Làn sóng tức giận trở thành một trong những chủ đề tranh luận bùng nổ trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tuần tới. Vì sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 9/5, có khả năng, Hàn Quốc sẽ chấm dứt chế độ điều hành đất nước theo hướng bảo thủ luôn duy trì lập trường cứng rắn chống lại Triều Tiên và chấp thuận việc triển khai THAAD.
Ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người kêu gọi hợp tác với Triều Tiên cho rằng, cần cân nhắc lại việc triển khai THAAD. Một số kênh truyền thông địa phương cũng nghi ngờ khả năng Mỹ và chính quyền tạm thời (cầm quyền sau khi Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất) đang vội vàng hoàn thành THAAD trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Các ứng viên Tổng thống hàng đầu khác từng ủng hộ THAAD bắt đầu thay đổi lập trường sau khi bình luận của ông Trump bắt Hàn Quốc gánh chi phí. Ông Ahn Cheol-soo, ứng viên Tổng thống đứng thứ 2 cho biết, nếu Mỹ yêu cầu trả tiền triển khai THAAD, ông sẽ kêu gọi để đưa kế hoạch triển khai THAAD lên Quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận