Xã hội

Lãnh đạo địa phương than “bó tay” với cứu nạn hai phu vàng

08/11/2018, 06:51

Sau 4 ngày cứu nạn, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được vị trí 2 nạn nhân mắc kẹt...

14

Lực lượng cứu nạn vẫn đang tiến hành công tác tìm kiếm nhưng với máy móc đơn giản, thường bị hư hỏng

Ít người, máy móc thô sơ

Ngày 7/11, sau bốn ngày tổ chức cứu hộ hai phu vàng mắc kẹt tại hang Cột Cờ, thuộc địa phận xã Thanh Nông (Lạc Thủy, Hòa Bình), mực nước tại hang đá đã giảm sâu nhưng lượng bùn lớn trong hang đá khiến việc tìm kiếm chưa có kết quả. Có hai máy xúc vẫn đang được huy động cào bùn đá từ trong ra cửa hang để máy bơm hút ra ngoài. Bên trong hang vàng rộng lọt hai xe tải, sâu hun hút trong lòng núi với lượng bùn đặc sâu gần 1m.

Anh Bùi Văn Sinh, một người tham gia cứu hộ cho biết, hang sâu, dài gần 150m nên khối lượng bùn và nước rất lớn. Sau 4 ngày sử dụng máy bơm công suất lớn, mực nước đã rút đáng kể. Tuy nhiên, lượng bùn đặc khổng lồ trong hang là bài toán khó với công tác cứu hộ. Theo anh Sinh, mỗi ca cứu hộ đều phải có 5-6 người giữ ống hút nước, phân công người dùng vòi nước phun cho loãng bùn mới có thể hút được. “Còn nhiều bùn lắm, hút đến đâu bùn từ trong tràn ra đến đấy. Để hút được bùn phải có người cầm vòi nước xả liên tục, nếu không bùn cạn đóng thành tảng không thể hút ra”, anh Sinh nói.

Chiều tối 7/11, ông Quách Tất Liêm, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy thông tin nhanh với PV: “Hiện lực lượng cứu hộ đã tiếp cận gần đến vị trí chiếc máy xúc, xe tải mà các nạn nhân sử dụng khi xảy ra sự cố, ước chừng 50 - 60m từ cửa hang. Cố gắng trong ngày hôm nay sẽ xong mọi việc”.

Anh Bùi Công Thành (người địa phương) cho biết, hai công nhân mắc kẹt trong hang núi bốn ngày qua nhưng công tác cứu hộ cứu nạn vẫn giậm chân tại chỗ. “Phương tiện chỉ có hai máy bơm và hai máy xúc cào bùn. Về nhân lực chỉ có nhóm hơn 10 công nhân thay nhau bơm hút bùn đất và không có bất cứ lực lượng nào khác vào hang hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ. Như ngày đầu tiên (4/11) khá đông lực lượng dân quân tự vệ, cảnh sát, quân đội hỗ trợ cứu hộ nhưng những ngày sau lực lượng chức năng chỉ bảo vệ hiện trường, thậm chí buổi tối mọi hoạt động cứu hộ tạm dừng”, anh Thành nói.

Ông Trương Công Điệp, chú ruột nạn nhân Chánh sốt ruột: “Bốn ngày hút bơm, cào cuốc mà chưa thể tìm thấy thi thể của cháu, ai nấy đều sốt ruột. Nhìn từ phía ngoài, chúng tôi chỉ thấy một nhóm người ngâm mình dưới nước để hút bùn, mấy chiếc máy san gạt, xúc ủi. Thấp thoáng một số người mặc trang phục chức năng đi lại và bảo vệ hiện trường. Chúng tôi không biết phía trong hang sâu có những ai, làm gì để tìm kiếm nạn nhân”.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến chiều tối 7/11, công tác cứu hộ tại hang Cột Cờ vẫn đang được lực lượng chức năng tiến hành. Tuy nhiên, ngay khu vực cửa hang chỉ có một nhóm chừng 10 người (xưng là người dân địa phương - PV) thực hiện công tác bơm nước hút bùn với thiết bị đơn giản, thậm chí nhiều lúc bị tắc máy, ống dẫn nước bị hư hỏng, mất nhiều thời gian sửa chữa. Bên trong hang chừng 20m là 2-3 chiếc máy xúc ủi san gạt. Chúng tôi không nhìn thấy bóng dáng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, có thể do độ sâu, dài, tối tăm của hang hoặc tất cả lực lượng đều phụ thuộc vào những chiếc máy xúc ủi với vài ba người thay nhau điều khiển.

Lãnh đạo địa phương thừa nhận “bó tay”

Theo ông Quách Tất Liêm, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, tính đến thời điểm chiều tối 7/11, cơ quan chức năng đã huy động 5 máy bơm nước hoạt động tại tất cả các điểm thông qua hang để hút nước và bùn nhanh nhất. Ngoài ra, 7 chiếc máy xúc ủi đã được huy động đến hiện trường, trong đó có 5 chiếc hoạt động tại khu vực hang, hai chiếc nằm chờ dự phòng vì nếu xảy ra sự cố hư hỏng sẽ thay thế ngay. Tổng quân số tham gia cứu hộ đã hơn 100 người, bao gồm lực lượng công an, quân đội, PCCC, dân quân tự vệ và người dân địa phương.

Trả lời câu hỏi của PV vì sao không đề nghị hỗ trợ lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, ông Liêm cho biết, cũng đã cầu cứu nhiều nơi, trong đó có các công ty than ở Quảng Ninh có kinh nghiệm xử lý sự cố nhưng tất cả đều “bó tay” vì địa hình cứu nạn ở đây không bình thường, chỉ có thể sử dụng phương án hút bùn, dùng máy xúc ủi mở đường tiếp cận.

“Nếu như ngày đầu cửa hang còn bị ngập kín, lực lượng cứu hộ không thể vào chỉ có 1 - 2 máy xúc san gạt, xúc ủi thì đến thời điểm hiện tại đã có 3 máy vào hoạt động cùng với 1 kíp khoảng 30 người vào trong để bơm nước, hút bùn ra ngoài. Ngoài ra, 5 điểm đặt máy bơm xung quang khu vực hang liên tục hoạt động nhưng thi thoảng vẫn xảy ra tình trạng hư hỏng, sửa chữa nên mất thời gian”, ông Liêm nói.

Tối 7/11 trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, tới thời điểm này, UBND tỉnh Hòa Bình vẫn chưa có văn bản đề nghị Văn phòng vào cuộc. "Chúng tôi vẫn theo dõi sát sao từ lực lượng tìm kiếm cứu nạn địa phương. Tới nay, địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để cứu hai nạn nhân. Giải pháp bơm hút cát cũng là phương án tối ưu trong trường hợp này.Tuy nhiên, cơ hội sống sót rất mong manh", vị đại diện nhận định.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội):
Nạn nhân đối diện với nhiều rủi ro

Với những vụ sập hầm có thể xảy ra nhiều tình huống, ví như nếu bị đất đá vùi lấp thì nạn nhân chắc chắn không thể sống được. Tình huống thứ hai, nếu chỉ bị bít cửa thì phụ thuộc nhiều yếu tố như không khí, nguồn thức ăn, nước uống có đủ hay không. Đặc biệt, trong điều kiện hang tối như vậy, nếu bị mắc kẹt và được cứu sống sau 2 tuần trở ra, nạn nhân sẽ đối mặt với các rối loạn về mặt thời gian, thị giác, định hướng không gian tâm lý và các hậu quả khá nặng nề về sức khỏe… Tuy nhiên, trong điều kiện đó, con người vẫn có thể tồn tại cả tháng nếu đủ không khí và nước mà không có đồ ăn.

Với trường hợp sập hầm vàng như trên, mọi khả năng đều có thể xảy ra, vì cũng có thể họ không bị vùi lấp trong đó. Chính vì vậy, công tác cứu hộ cần có giải pháp phù hợp để chạy đua với thời gian.

Vũ Anh (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.