Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm tại Tổng công ty Đường sắt VN, trong đó có dự án mua ray của Áo |
Trao đổi với Báo Giao thông về những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã nêu tại Kết luận số 2222/KL - TTCP ngày 26/8/2016, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đoàn Duy Hoạch cho biết, Tổng công ty cũng mới nhận được Thông báo kết luận này vào 31/8/2016. “Ngay sáng 1/9, lãnh đạo Tổng công ty đã họp và giao các ban tham mưu, đơn vị nhanh chóng làm rõ và giải quyết. Tổng công ty sẽ nghiêm túc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ”, ông Hoạch nói.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận số 2222/KL - TTCP ngày 26/8/2016 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt VN.
Theo Kết luận này, có 4 nhóm sai phạm lớn tại Tổng công ty Đường sắt VN. Thứ nhất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, trong đó có 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003 – 2009).
Thứ hai, Tổng công ty Đường sắt VN đã phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, đặc biệt là Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với giá ray có tính năng tương tự cùng thời điểm.
Thứ ba, góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu trái quy định. Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của Tổng công ty trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 – 2015. Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ GTVT, Bộ TNMT, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng đất tại hai địa chỉ nêu trên đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, Tổng công ty Đường sắt VN đã buông lỏng và vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; một số nội dung về quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ đồng.
Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, đa số những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ nêu lên xảy ra đã lâu, có sai phạm xảy ra từ giai đoạn 2003-2009, nhiều lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN thời đó đã nghỉ hưu nên việc xử lý sẽ mất thời gian và cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận