Đại tá Đinh Quang Thìn trao tặng kỷ vật cho ông Vũ Xuân Hợi (bên phải) |
Bảo tàng giáo dục truyền thống
Chiếc bi-đông 1 lít kèm xăng-tuya-rơ, chiếc bi-đông to 5 lít, địa bàn, còi chỉ huy… là những kỷ vật gắn bó gần 50 năm, từ những ngày binh lửa được Đại tá Đinh Quang Thìn, nguyên Phó trưởng phòng Dân quân, Quân khu 1, trao tặng cho Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của CCB Vũ Xuân Hợi.
“Những kỷ vật này là người bạn đồng hành tận tụy, cứu nguy của tôi trên khắp chiến trường Quảng Trị, miền Nam, miền Tây Nam bộ và cả bên Lào, Campuchia khi chiến đấu trong đoàn quân tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế”, ông Thìn chia sẻ.
Người cựu binh già chia sẻ: “Năm 1979, khi tác chiến đánh đuổi bọn phản động Pôn-pốt xâm lược biên giới Tây Nam ở Tà Ven, Tà Pô, TX Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Đại đội 9 (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325) do tôi chỉ huy được lệnh tiến công theo hướng Tây Nam giữa địa hình rừng tràm. Nhờ có chiếc địa bàn này, chúng tôi tiến công đúng hướng, góp phần giảm thương vong và cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 tiêu diệt và đuổi 1 tiểu đoàn Pôn-Pốt đang chiếm đóng ở đó, giải phóng Tà Ven và Tà Pô”.
Còn chiếc bi-đông đựng những giọt nước quý báu giúp ông hồi sức sau những chặng đường hành quân và chống chọi với thời tiết khô nóng của mùa khô nơi cực Nam Tổ quốc. Có những lần hành quân trong rừng, phải đi bộ tới 3 ngày mới có được nguồn nước. Lúc đó, nhờ chiếc bi-đông cỡ đại, ông Thìn đã cùng đồng đội chia sẻ từng nắp bi-đông nước để dịu cơn khát dữ dội.
“Tôi luôn nghĩ sẽ mang theo những kỷ vật này khi sang bên kia thế giới. Nhưng thấy anh Hợi có tâm sưu tập kỷ vật chiến tranh để trưng bày và giáo dục truyền thống, nên tôi trao tặng anh để những câu chuyện về những kỷ vật ấy sống mãi với thời gian”, ông Thìn giãi bày.
Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh được đặt trang trọng trong phòng khánh tiết của Công ty CP Dịch vụ thương mại XNK Nam Á ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, do ông Hợi làm Chủ tịch HĐQT.
Ông Hợi chia sẻ, lúc đầu, ông dành một chỗ trang trọng bày trí những kỷ vật của chính mình trong chiến tranh để tự răn mình. Sau đó, khi gặp lại các đồng đội cũ, biết họ có nhiều vật kỷ niệm và mặt khác, nhiều kỷ vật bị thất thoát, bị mất đi do nhiều điều kiện hoàn cảnh. “Mỗi kỷ vật đều gắn bó với một người lính, là một câu chuyện về cuộc đời, về một thời hoa lửa đã qua. Chúng vô giá với người lính trận, nhưng lại bình thường giữa cuộc đời. Không để đồng đội bị quên lãng, tôi có ý tưởng thành lập khu trưng bày các kỷ vật và câu chuyện về đồng đội. Biết tâm nguyện của tôi, rất nhiều đồng đội đã tình nguyện chia sẻ kỷ vật”, ông Hợi cho biết.
Từ năm 2001, khu trưng bày hình thành với hơn chục kỷ vật, nay đã phát triển thành một bảo tàng nhỏ với hàng nghìn kỷ vật, không chỉ trong chiến tranh mà cả vật dụng thời bao cấp như: Xe đạp, đèn dầu, bi-đông, bật lửa, thư - nhật ký chiến tranh, thắt lưng bộ đội, các loại mũ và quân phục bộ đội thời chiến tranh, bộ đồ tiểu phẫu thuật trong quân y…
Hàng năm, bảo tàng của ông Hợi đón hàng trăm lượt CCB đến thăm, sống lại những ký ức hào hùng. “Tôi ước mơ xây dựng một khu nhà trưng bày kỷ vật và có thể ghi lại hết những câu chuyện xung quanh kỷ vật của từng chủ nhân, những người lính đã vào sinh ra tử, để thế hệ mai sau biết gốc tích và hiểu được một thời thế hệ cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông Hợi giãi bày.
Giọt nước mắt chỉ dành cho đồng đội
“Lần đầu tiên, tôi thấy chồng giấu giọt nước mắt đang lăn tràn khóe mắt đó là vào đầu năm 2014, lúc thăm chùa Thạch Động ở Hà Tiên, nơi chồng tôi đóng quân, chiến đấu với bọn Pôn-pốt”, bà Nguyễn Thị Hiền, vợ ông Hợi tâm sự.
Năm 1977, vừa học hết lớp 9 (hệ 10 năm), Vũ Xuân Hợi từ chối việc học tập kỹ thuật thủy sản ở Đức và học Trung cấp Công an để đi bộ đội. Tháng 11 cùng năm, chàng lính trẻ được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) và hành quân cùng đơn vị tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. “Trong ranh giới tử sinh mong manh của bom, đạn chiến tranh, những người lính chúng tôi vẫn luôn sống vì nhau, chia sẻ với nhau từng ngụm nước, từng hạt gạo rang, từng véo cơm vắt… Vừa bên nhau mà sau đó đã vĩnh viễn xa nhau. Nhiều đồng đội hy sinh khi chưa từng nắm tay bạn gái”, CCB Vũ Xuân Hợi nhớ lại những ngày chiến đấu đầu năm 1979.
Những năm tháng đầu sau khi rời quân ngũ năm 1981, trước muôn vàn khó khăn, ông đã bàn với gia đình thuê đất để nuôi, ươm cá giống, một nghề truyền thống của đất Yên Sở. Sau đó, ông cùng một số anh em CCB mở hợp tác xã thương binh vận tải rồi công ty phát triển như ngày nay. Trong số hơn 30 lao động của công ty có tới 22 người là thương binh, CCB. Kinh tế ổn định và phát triển, ông Hợi có thời gian và điều kiện hướng tấm lòng về đồng đội nhiều hơn.
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18, Đại tá Vũ Trọng Hóa cho biết: “Đồng chí Hợi là người lính có tâm trong sáng, hướng về đồng đội và các liệt sỹ đã nằm xuống. Nhớ lại năm 2014, ông Hợi đã tìm đến chúng tôi và tâm sự rằng: Các đồng đội ngã xuống ở Hà Tiên đến bây giờ vẫn chưa được cầu siêu, anh linh các anh vẫn chưa có một nơi thờ cúng. Chính ông Hợi đã đề xuất và hỗ trợ kinh phí để các CCB Trung đoàn 18 về làm lễ cầu siêu và đưa bài vị anh linh các liệt sỹ vào chùa Thạch Động”, Đại tá Vũ Trọng Hóa nói.
Tháng 4/2018, ông Hợi cũng hỗ trợ để CCB Trung đoàn 18 quay lại Hà Tiên để cầu siêu và tu sửa nơi thờ tự anh linh các liệt sỹ. Đặc biệt hơn, tinh thần vì đồng đội của CCB Vũ Xuân Hợi đã lan tỏa đến nhiều CCB khác, trong đó có Đại tá, bác sĩ Nguyễn Hữu Phước (năm nay 86 tuổi). Những năm qua, ông Phước cùng với ban liên lạc CCB Trung đoàn 18 vận động được hàng trăm chiếc xe lăn để tặng cho các thương, bệnh binh và các nạn nhân chất độc da cam. Chỉ riêng năm 2018, dù tuổi cao, ông Phước tự bỏ chi phí đi lại nhiều lần Hà Nội - Đà Nẵng và xin tài trợ được 270 xe lăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận