Ở những tuyến đường có vỉa hè rộng và không gần các điểm đen giao thông, có thể cho thuê vỉa hè, tạo điều kiện cho người dân thêm thu nhập, Nhà nước có thêm nguồn thu. |
Công khai cho thuê vỉa hè
Theo tôi, tại các TP lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM, đối với một số vỉa hè và đường phố rộng, có thể tạo điều kiện cho phép để xe. Các điểm này cũng không được gần các điểm đen giao thông. Có vạch sơn kẻ đàng hoàng, quy định diện tích cụ thể được phép cho thuê, còn lại để cho người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông khác.
Ở một số nước tôi biết, họ cho thuê vỉa hè có thể kiếm được hàng trăm triệu USD để tái đầu tư hạ tầng. Ở nước ta, lâu nay tại các TP lớn có khai thác, cho thuê vỉa hè, nhưng tiền đi đâu hết, chứ có vào ngân sách TP đâu. Việc này cần được siết chặt lại, vỉa hè là tài sản quốc gia, không thể quản lý lỏng lẻo, thất thoát như vậy. Giá cũng phải quản lý chặt, không “chặt chém”, cũng không quá rẻ mạt. Nếu ta có những chính sách nhất quán, rõ ràng và cụ thể, tôi tin vấn đề vỉa hè sẽ không còn nóng nữa.
"Về chuyện cho thuê vỉa hè lâu nay thực ra cũng đã thực hiện, nhưng tiền đi đâu không ai biết, quản lý rất lỏng lẻo. Ở một số nước tôi biết, họ cho thuê vỉa hè có thể kiếm được hàng trăm triệu USD để tái đầu tư hạ tầng”. TS. Nguyễn Xuân Thủy |
Nhưng nói thật, tôi cũng lo việc cho thuê vỉa hè sẽ lại bị tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” bởi lẽ, Hà Nội và các TP lớn có nhiều ngõ ngách nhỏ, ta chỉ có thể giải quyết được các tuyến phố lớn, còn trong ngõ ngách rất khó giải quyết. 50% vẫn còn tiêu cực. Nhưng theo tôi như thế cũng đã là thành công.
Các lực lượng cũng phải kiểm tra thường xuyên, không thể làm vài tháng rồi thôi. Toàn TP phải ra quân trách nhiệm, không được làm theo kiểu thành tích.
Việc cho thuê vỉa hè phải có quy chế, chế tài cụ thể và kiểm tra thường xuyên. Dứt khoát phải có một công ty riêng để quản lý. Công ty này có thể mang tên Công ty Khai thác vỉa hè, chịu trách nhiệm trước TP về việc này. Người được thuê vỉa hè không được phép cho thuê lại, đặc biệt là không được tăng giá để “chặt chém” người dân. Giá cho thuê không cần giá trần hay giá sàn, chỉ cần một mức giá cụ thể và có thể thay đổi tùy theo từng thời điểm. Giá được công bố công khai cho người dân biết để tránh tiêu cực. Giám đốc công ty quản lý, khai thác vỉa hè phải chịu trách nhiệm trước TP. Nếu làm kém phải bị cách chức.
Đất vàng để xây nhà, lấy đâu chỗ cho giao thông
Tôi khẳng định, vỉa hè để dành cho người đi bộ. Luật GTĐB cũng đã thể hiện rõ như vậy. Nói vui đây là chân lý rồi, không thể khác được. Lâu nay chúng ta bê trễ, làm không đúng luật và có sự châm chước quá mức nên vỉa hè bị biến thành nơi để xe, buôn bán. Chính điều này gây ra TNGT và ùn tắc giao thông, chứ không phải chỉ mất cảnh quan. Nay ta phải sửa sai, và phải giải phóng vỉa hè bằng mọi cách là cần thiết.
Hiện nay, giao thông tĩnh chỉ đảm đương được khoảng 7%. Hà Nội và TP.HCM không có một gara để ô tô hiện đại nào, mới chỉ có những gara “vớ vẩn” bằng thép chứa được vài chục xe. Tôi đi nước ngoài thấy những gara ô tô mấy chục tầng, có thể chứa được cả trăm xe ô tô một lúc. Như vậy, mới có thể đảm đương được nhiệm vụ. Lâu nay ta không có những chính sách, biện pháp khuyến khích thu hút các nhà đầu tư bãi đỗ xe và các hệ thống giao thông tĩnh... Hà Nội và TP.HCM, chỉ dành những mảnh đất vàng cho xây nhà cao tầng, siêu thị mà quên đi việc xây dựng các bãi đỗ xe.
Do bãi đỗ xe ô tô ít như vậy nên ta mới phải dành một phần lòng đường, vỉa hè tương đối rộng để xe và tạo thuận điều kiện cho người dân buôn bán. Việc kẻ vạch sơn trên vỉa hè là đúng. Tuy nhiên, nhiều đoạn vỉa hè đã được vẽ những vạch sơn quá bé, chủ yếu cho để xe máy, còn người đi bộ không thể đi được. Tôi lấy ví dụ như vỉa hè ở cổng Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) và nhiều tuyến đường khác nữa.
Về giải pháp, theo tôi, hai TP phải có những chính sách quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông tĩnh lâu dài, chỉn chu để người dân có nơi để xe thuận lợi. Từ trước đến nay, cả hai TP này kêu rất nhiều nhưng không có chính sách thực hiện. Đối với những tổ chức, cá nhân đầu tư bãi để xe và hệ thống giao thông tĩnh, cần giảm thuế, giảm lãi suất và những ưu đãi khác nữa. Như vậy mới có thể thu hút được đầu tư.
Tôi biết từ trước đến nay cũng có những chính sách ưu đãi nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn, thậm chí giấu nhẹm chính sách. Cần có chính sách rõ ràng, dứt khoát và được kiểm soát bởi Chính phủ để đến được với người dân và nhà đầu tư. Cần xây dựng hệ thống gara, bãi đỗ xe quy mô lớn đáp ứng nhu cầu chỗ đỗ xe cho người dân. Bên cạnh đó, quy hoạch nơi kinh doanh bán hàng cho người dân bằng các chợ tạm để phục vụ cho người khó khăn lâu nay sống nhờ vỉa hè.
TS. Nguyễn Xuân Thủy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận