Du khách đổ về Đền Hùng ngày càng đông - Ảnh: Nguyễn Quý |
Những ngày đầu tháng ba (âm lịch), nườm nượp du khách đang đổ về đất Tổ đền Hùng để tri ân và thể hiện tấm lòng tôn kính hướng về tiên Tổ. Tuy nhiên, trong khi 4 đền chính chật ních du khách, nhiều điểm di tích trong quần thể Đền Hùng như đền thờ Quốc Mẫu, Quốc Tổ... vẫn thưa vắng khách ghé thăm.
Viếng đền thờ quốc tổ, quốc mẫu
Sáng 5/4, từ khu vực bãi xe, dòng người ken dày nối đuôi nhau hướng về núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi trung tâm của quần thể khu di tích. Trong khi đó, đi men theo con đường trải nhựa phẳng lỳ chừng 1km, tại núi Ốc Sơn, nơi đặt đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, khung cảnh thanh bình, thưa vắng khách. Du khách đến đền thờ Quốc Mẫu phần lớn là các cụ cao niên. Họ chậm rãi dìu nhau leo từng bước một, vượt qua những bậc đá xanh thẫm từ chân núi lên tới đỉnh Ốc Sơn để dâng hương bái Tổ.
Bước chân lên bậc thềm cuối cùng vào cửa đền thờ Quốc Mẫu, cụ Vũ Thị Tẩm (75 tuổi, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nâng vạt áo lau nhanh những giọt mồ hôi đang chảy dài trên trán. “Lần đầu tiên tôi leo cao như thế này, rã rời hết chân tay, nhưng mà phấn khởi lắm chú ạ. Tôi đi Đền Hùng nhiều lần rồi, nhưng hôm nay nghe giới thiệu mới biết có đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, là nơi thờ tự của Quốc Mẫu, nên tôi phải lên luôn”, cụ Tân nói.
Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2017 quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” tại Lễ hội: Không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém”; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội. |
Tại đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, từ sáng sớm 5/4, cụ Nguyễn Đình Thuần (SN 1948, trú tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) dẫn đầu một đoàn khách gồm 24 người tập trung tại trước cửa đền dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Quốc Tổ. Cụ Thuần cho biết, để đến Đền Hùng kịp giờ làm lễ dâng hương, cả đoàn đã phải tập trung từ 3 giờ sáng và di chuyển liên tục gần 4 tiếng đồng hồ.
“Hơn chục năm nay, cứ vào dịp Giỗ Tổ, tôi cùng con cháu lại hành hương từ Bắc Ninh đến Đền Hùng làm lễ dâng hương. Từ năm 2001, khi đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ đang xây dựng tôi đã ghé vào thăm rồi. Khi hai di tích khánh thành và đón khách, lần nào lên đây tôi cũng phải tới thắp hương một lần để thể hiện tấm lòng thành kính với bậc Quốc tổ, Quốc Mẫu”, ông Thuần nói.
Tuy nhiên, ông Trần Đức Mão, cụ từ trông đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân cho biết, từ hôm khai hội Đền Hùng 2017 đến nay, lượng khách đến với di tích đền thờ Quốc Tổ vẫn chưa đông. Một phần do di tích mới xây dựng, nhiều người chưa biết đến, một phần do vị trí của di tích nằm khá xa khu trung tâm, không tiện đường đi lại. “Như hôm nay đã là chính hội nhưng từ sáng đến giờ, lượng du khách đến đây chỉ khoảng vài chục người. Các năm khác cũng tương tự”, ông Mão nói.
Lễ hội Đền Hùng 2017 có nhiều điểm mới
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Đào Thị Ngọc Tuyết, Phó trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Ban Quản lý Khu di tích Đền Hùng cho biết, trong quần thể Khu di tích Đền Hùng, ngoài 4 đền chính là Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Giếng và Lăng Hùng Vương, còn có nhiều di tích khác như đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Cột đá thề, Thiên quang Thiền tự, Nhà bia nơi đặt tấm bia khắc dòng chữ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Nếu có thời gian, du khách nên thăm quan hết các điểm trong quần thể di tích đền Hùng, bởi ngoài ý nghĩa tâm linh lớn lao, các điểm di tích mới, ít người biết đến này còn có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc. Như đền thờ Quốc Mẫu được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh (J) trên núi Ốc Sơn, là một trong ba ngọn Tổ Sơn có độ cao hơn 170m so với mực nước biển. Bên trong hậu cung của đền có tượng Quốc Mẫu đúc đồng, dát vàng, hai cánh tay dang rộng ôm ấp, che chở cho con cháu.
Còn đền thờ Quốc Tổ được xây dựng tại núi Sim, nơi có thế đắc địa “sơn chầu, thủy tụ”, giống như một con rùa lớn hướng về dòng sông Hồng xuôi chảy. Đền có tượng Quốc Tổ đúc bằng đồng đang ngồi trên ngai, che chở cho muôn dân. Đền thờ Quốc Mẫu được khánh thành vào cuối năm 2004 còn Đền thờ Quốc Tổ khánh thành năm 2009”, bà Tuyết cho hay và nhấn mạnh, việc tuyên truyền, quảng bá để du khách biết đến, ghé thăm những di tích ngoài 4 đền chính, còn giúp phân luồng, giảm tải cho khu vực trung tâm.
Theo ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2017, Lễ hội năm nay có nhiều điểm mới so với các năm trước. Như năm nay, Lễ giỗ Tổ được tổ chức tại Đền Thượng vào hồi 6h30 ngày 10/3 âm lịch, sớm hơn 1 tiếng so với những năm trước và các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương dâng hương theo nghi lễ truyền thống cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng.
“Nhằm tạo điều kiện cho du khách thập phương về với Lễ hội được hòa vào niềm vui lớn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, Ban tổ chức mở nhiều hoạt động đặc sắc trong Lễ hội, như: Lễ hội dân gian đường phố; Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương; Chương trình hát Xoan; Trưng bày tư liệu về Di sản Hát Xoan; Tư liệu ảnh, hiện vật về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay; Buổi diễn múa rối nước; Hội trại văn hóa; Trình diễn dân ca các dân tộc...”, ông San cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận