Nhiều người lo ngại hiệu ứng domino nếu Anh rời EU |
Chỉ còn hai tuần nữa là các cử tri nước Anh sẽ phải quyết định việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới. Tuy nhiên, xu hướng phản đối châu Âu không chỉ mạnh lên ở nước Anh, mà ở nhiều nước thành viên EU khác, tỷ lệ người hoài nghi những lợi ích của việc ở lại trong khối này cũng tăng không ít.
Phải ký lại toàn bộ các thỏa thuận thương mại
Trong cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 6/6 do trang “WhatUKThinks” tiến hành tại Anh cho thấy sự đảo chiều, khi tỷ lệ ủng hộ Brexit (rời khỏi EU), vượt lên dẫn trước so với tỷ lệ nói “Không” với Brexit trong vòng một tháng qua. Cuộc thăm dò cho thấy, 51% những người được hỏi ủng hộ Brexit, so với 49% người phản đối.
Trong một cuộc tranh luận phát trực tiếp trên sóng truyền hình với ông Nigel Farage, người đứng đầu phe ủng hộ Brexit ngày 7/6, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, việc giữ nước này ở lại EU là một việc làm đúng đắn và cần thiết. Ông Cameron cũng bày tỏ những hậu quả kinh tế mà Brexit có thể gây ra và cho rằng, quan điểm của ông Farage là thiển cận, hướng tới một nước Anh nhỏ bé và chấp nhận là những kẻ bỏ cuộc.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cũng cảnh báo, nếu Anh rời khỏi EU, các nhà xuất khẩu nước này có nguy cơ phải chi thêm 5,6 tỷ bảng Anh (8,2 tỷ USD) tiền thuế hải quan mỗi năm. Anh sẽ cần các thỏa thuận thương mại mới với EU và 58 nước đã ký thỏa thuận tự do thương mại với khối này. Ông Azevedo cũng nhận định, Brexit sẽ dẫn tới viễn cảnh Anh và 161 nước thành viên WTO phải tiến hành các cuộc đàm phán về những điều khoản liên quan tư cách thành viên; bởi các điều khoản thương mại cam kết giữa Anh và WTO chỉ có hiệu lực khi nước này nằm trong EU.
Hiện 47% hàng hóa của Anh xuất khẩu sang các nước trong EU và khoảng 13% sang các đối tác thương mại ưu đãi của khối này. Nếu Anh rời khỏi EU, nước này sẽ không được hưởng các ưu đãi khi tiếp cận thị trường 58 quốc gia tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo, nền kinh tế Anh sẽ chịu cú sốc lớn nếu nước này rút khỏi EU và tác động tới toàn cầu. Nếu rời EU, GDP của Anh trong năm 2020 có thể thấp hơn 3% so với dự báo và tới 5% vào năm 2030.
Xu hướng lạnh nhạt với EU tăng cao
Xu hướng Brexit của Anh mạnh lên cùng với xu hướng hoài nghi châu Âu của người dân nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là những nước đã gia nhập EU từ lâu. Khảo sát mới công bố ngày 7/6 do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện cho thấy, tại Pháp, tỷ lệ này tăng lên 38% trong vòng một năm qua, trong khi số người ủng hộ EU giảm khoảng 17%.
Tại 10 quốc gia được khảo sát, hầu hết tỷ lệ người dân hoài nghi về những lợi ích của việc ở lại khối EU thường cao hơn so với tỷ lệ được ghi nhận tại Pháp. Thậm chí, ở một số quốc gia giàu có và là thành viên lâu đời của EU như Đức, tỷ lệ người ủng hộ EU không quá 50% và đang có xu hướng giảm.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhiều người phản đối cách mà liên minh ứng phó với những khủng hoảng kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, đặc biệt tại các quốc gia nhiều nợ nần tại Nam Âu. Có tới 92% người được hỏi tại Hy Lạp không đồng tình với cách thức quản lý kinh tế hiện tại của EU, trong khi tỷ lệ này ở Italia là 68%, 66% ở Pháp và 65% tại Tây Ban Nha.
Mặc dù giới chức EU cho rằng, Brexit sẽ không gây tổn hại lớn cho khối, nhưng xu hướng lạnh nhạt với EU ngày càng tăng, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, liệu các nước thành viên khác có tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên như nước Anh hay không. Nếu điều đó xảy ra, thì chắc chắn sẽ là một ”thảm kịch” đối với EU.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận