Cảnh trong vở diễn “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú. |
Hồ sơ Quốc gia Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO xem xét, vinh danh tại Kỳ họp lần thứ 11, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003, diễn ra tại Addis Ababa, Thủ đô Ethiopia từ ngày 28/11 - 2/12. Tuy nhiên, một câu hỏi được mọi người quan tâm: Sau khi được UNESCO vinh danh, làm thế nào để tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo vệ và phát huy đúng giá trị của nó trước những biến tướng, thương mại hóa các nghi thức?
Tín ngưỡng thờ Mẫu, di sản của cả nhân loại
Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể xét duyệt 50 hồ sơ di sản của nhân loại. Trong đó, có 37 hồ sơ xin đăng kí di sản văn hóa phi vật thể, 7 hồ sơ xin vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, 6 hồ sơ đăng ký là những thực hành di sản tốt nhất và tài trợ trên 25.000 USD. PGS. TS. Từ Thị Loan, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đơn vị chủ trì xây dựng Hồ sơ Quốc gia Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cho biết, “Trong số 37 hồ sơ, thì hồ sơ của Việt Nam được đánh giá viết tốt nhất, đảm bảo đáp ứng được 5 tiêu chí của UNESCO. Có 19 hồ sơ chỉ đạt từ 4 tiêu chí trở xuống. Khi hồ sơ của Việt Nam đưa ra bàn luận thì không gặp những vấn đề tranh luận, phản biện nhiều và được thông qua rất nhanh”.
Được biết, tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đã có từ thế kỉ 16 và phát triển mạnh. Tuy nhiên, đến thời kỳ đương đại, do nhiều yếu tố khách và chủ quan như: Chiến tranh, quan niệm tín ngưỡng của các nhà quản lý, việc ứng xử với tín ngưỡng còn nhiều vấn đề bất cập. Có thời kỳ tín ngưỡng thờ Mẫu bị lắng chìm, gần đây, sau Pháp lệnh về Tôn giáo tín ngưỡng 2004 và những chính sách cởi mở về tự do tín ngưỡng, không chỉ tín ngưỡng thờ Mẫu mà một số tín ngưỡng khác phát triển hơn. “Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là một dấu mốc quan trọng, thể hiện mức pháp lý cao, mang tính quốc tế. Bởi, đây không chỉ là di sản của Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Điều này là động lực cho những người thực hành di sản và cộng đồng đều cố gắng gìn giữ di sản, phát huy những mặt tốt đẹp, giá trị cốt lõi mang tính nhân văn”, bà Từ Thị Loan chia sẻ.
Nói về giá trị, sự khác biệt trong di sản thờ Mẫu, GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết, đạo Mẫu có nét đặc biệt so với một số tôn giáo về tín ngưỡng của nhiều nước trên thế giới, đó là trả lời các điều mà các tôn giáo khác không trả lời. Đạo Phật, Thiên Chúa giáo trả lời câu hỏi sau khi chết ta ở đâu, ta lên đâu? Đó là thiên đàng, niết bàn. Trong khi đó, Đạo Mẫu trả lời những câu hỏi của trần gian, chứ không trả lời về đời sống của con người sau khi chết. Ông chia sẻ: “Được UNESCO vinh danh có ý nghĩa to lớn, điều này tạo nên động lực cho người Việt Nam nhận thức về văn hóa của mình và có quyết tâm bảo vệ di sản”, GS. Ngô Đức Thịnh nói.
Làm gì để ngăn chặn biến tướng?
Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn và lễ hội… Tuy nhiên, một số các thực hành như lên đồng, lễ cúng đã bị thương mại hóa, bị biến tướng. GS., nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho hay, trước đây chỉ cần chiếc khăn đỏ, một bộ quần áo đã có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ cần vài trái táo tượng trưng. Song, tới giờ có những giá đồng chỉ riêng tiền phát lộc đã hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Xu hướng vật chất hóa này khiến hầu đồng bị định kiến là hoang phí, khoe mẽ. Đó chính là biến tướng.
“Hầu đồng chỉ có ý nghĩa nếu người hầu đồng đạt tới trạng thái tinh thần cao siêu. Họ quên hết thực tại, tiếp cận được cõi bồng bềnh, ảo ảnh hư - thực, ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy con người. Họ nhảy múa quên chết, lấy roi vụt cũng không biết. Nếu không có điều ấy thì hầu đồng chỉ là một hình thức diễn xướng mà thôi. Dân gian vẫn gọi vui bằng các khái niệm “đồng tỉnh” và “đồng mê”. Trong đó, “đồng mê” mới thật sự gần được thần linh, còn “đồng tỉnh” không được”, GS. Trần Lâm Biền cho biết.
Theo GS. Ngô Đức Thịnh, tín ngưỡng là cái không ai nhìn thấy nên dễ bị lợi dụng, dễ bị lừa gạt, trục lợi về kinh tế. Sau khi được UNESCO tôn vinh, việc bảo vệ, phát huy, giữ gìn nghi thức này tránh biến tướng là nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì vậy, “Nhà nước phải đi đúng hướng, thể hiện chính sách tự do tín ngưỡng nhưng phải tránh được biến tướng, lợi dụng giá trị di sản. Tình trạng tín ngưỡng hiện nay vẫn tản mạn, cá nhân, không ai quản lý”, GS. Ngô Đức Thịnh nhận định.
Trước câu hỏi: Liệu cộng đồng và người thực hiện di sản có giữ đúng được bản chất của di sản hay không? Hay sẽ có người lạm dụng trục lợi trên di sản, làm biến tướng sai lệch bản chất của di sản? PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là thực hành mang tính tâm linh, thể hiện đức tin vào thánh mẫu. Việc thực hành là hầu đồng, đi lễ.
Thế nhưng ngày nay, có một xu hướng mới nảy sinh các nghi lễ hát chầu văn, lên đồng được thực hiện ngoài đền thờ Mẫu, trên sân khấu, nhà hát. Đây là hình thức phát triển mới, nhằm nhấn mạnh nghệ thuật của hát chầu văn, nhảy múa lên đồng. Thêm đó, có một số người lên đồng hay còn gọi là “đồng đua”, họ có tiền, muốn dâng Mẫu một phần để nhận được nhiều tài lộc. Vậy nên, để thực hành tín ngưỡng này theo đúng quỹ đạo của nó, phải có sự kết hợp giữa Nhà nước và cộng đồng.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc bộ, Bắc Trung bộ và TP HCM mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Hoạt động này thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như: Trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng này là đáp ứng nhu cầu và khát vọng trong đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận