Kinh tế

Lo ngại mất ngàn tỷ nếu nhiều DN “lọt lưới” kiểm toán

30/08/2017, 07:42

Dự kiến tới đây chỉ những doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa có giá trị vốn hóa trên 5.000 tỷ đồng...

8

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa 2011 - 2015 và dự kiến đến 2020

Chỉ vài doanh nghiệp đã tăng thu hàng ngàn tỷ đồng

Ông Nguyễn Đức Tín, Phó Kiểm toán trưởng, KTNN khu vực IV cho biết, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, KTNN khu vực IV đã thực hiện kiểm toán việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính khi cổ phần hóa 3 công ty mẹ của tổng công ty Nhà nước. Ông Tín cho biết, đây cũng là nhiệm vụ lần đầu được Tổng KTNN giao trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, ngay lần đầu làm nhiệm vụ, KTNN khu vực IV đã kiến nghị tăng giá trị doanh nghiệp so với giá trị do đơn vị tư vấn đề nghị đối với công ty mẹ của Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex 1.333 tỷ đồng; Công ty mẹ của Tổng công ty Đầu tư phát triển khu công nghiệp và đô thị Việt Nam Idico 816 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, KTNN Chuyên ngành VI cũng cho biết, trong số 8 DNNN được KTNN “với tay” đến đã lấy lại cho Nhà nước 8.454 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn khi giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo báo cáo là hơn 40.342 tỷ đồng nhưng sau kiểm toán con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.586 tỷ đồng. Đứng thứ hai là công ty mẹ của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam với số báo cáo giá trị thực tế phần vốn nhà nước hơn 31.500 tỷ đồng nhưng sau kiểm toán lên tới hơn 33.500 tỷ đồng, chênh lệch trên 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại cũng có chênh lệch lớn tới hàng trăm tỷ đồng như công ty mẹ của Tổng công ty Dầu Việt Nam (chênh 512 tỷ đồng), công ty mẹ của Tập đoàn Cao su Việt Nam (chênh 440 tỷ đồng), Công ty mẹ của Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (chênh lệch 72 tỷ đồng)…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã có 508 doanh nghiệp cổ phần hóa. Ông Hiếu cho hay, số lượng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô vốn lớn được cổ phần hoá đã nhiều hơn, trong đó có cả những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, ngân hàng… Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là số các doanh nghiệp còn lại ở giai đoạn này đa phần là các doanh nghiệp có quy mô rất lớn về tài sản thì nguy cơ của việc thất thoát tiền và tài sản nhà nước trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp càng trở nên hiện hữu.

Có để lọt hàng trăm doanh nghiệp?

Theo Luật KTNN 2015, KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, với chức năng như vậy, KTNN khẳng định vai trò không thể thiếu trong việc kiểm tra, kiểm soát quá trình cổ phần hóa DNNN, trong đó đặc biệt là xác nhận, kết luận giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa một cách khách quan, minh bạch sẽ bảo đảm nguồn lực quốc gia không bị thất thoát cũng như quyền lợi của các bên liên quan. Hiện nay, KTNN cũng tham gia kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi quyết định công bố giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần có quy mô vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác; các công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP thì số lượng doanh nghiệp trong diện phải kiểm toán sẽ thu hẹp, chỉ gồm những doanh nghiệp có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, số doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng đạt 32% số doanh nghiệp thực hiện bán cổ phiếu lần đầu (IPO). Do vậy, nếu để “lọt” các doanh nghiệp có vốn từ mức 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng không được kiểm toán thì nguy cơ thất thoát tiền, tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa rất lớn.

Đầu năm nay, Chính phủ đã công bố hàng loạt DNNN nằm trong danh sách cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có vốn dưới 5.000 tỷ đồng sẽ không thuộc diện “vào cuộc” của KTNN như Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, công ty mẹ của Tổng công ty Sông Đà (Sông Đà)… Nhiều ý kiến lo ngại, nếu không giám sát chặt chẽ sẽ gây thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp “khủng” này.

Có tiền cũng khó thu hồi

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, đến nay chưa có số liệu công bố chính thức về số tiền thu được từ cổ phần hóa DNNN cũng như việc sử dụng số tiền này. Theo quy định hiện hành, nếu cổ phần hóa DNNN thuộc Bộ, UBND cấp tỉnh, công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty thì chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ Trung ương) và giao SCIC “giữ hộ”. Trong trường hợp cổ phần hoá DNNN là công ty con tập đoàn, tổng công ty chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của tập đoàn, tổng công ty.

Tuy vậy, ông Hiếu cho biết, đến nay, các số liệu về thoái vốn nhà nước đã công bố công khai trong các báo cáo chính thức của cơ quan nhà nước chỉ là số tiền thu được từ bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc vốn nhà nước đã đầu tư vào 5 lĩnh vực “nhạy cảm” chưa bao gồm giá trị vốn nhà nước thu được từ bán cổ phần lần đầu. Do đó, ông Hiếu kiến nghị toàn bộ vốn nhà nước thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải được dành cho đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp hoặc các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.