Chất lượng sống

Lo ngại tăng lương tối thiểu, thu nhập thực tế bị giảm

19/08/2017, 13:35

Lương tối thiểu vùng năm 2018 đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt tăng ở mức 6,5%.

32

Công nhân lo ngại, lương tăng một, giá cả, nhà ở lại tăng hai lần

Doanh nghiệp khó khăn, thu nhập công nhân giảm

Trước thông tin mức lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng thêm 6,5%, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp may Hưng Yên bày tỏ không đồng tình. Với mức tăng này, ông Dương lo ngại các doanh nghiệp trong nước sẽ không thể bám trụ được, nhiều đơn vị có khả năng phải giải thể. “Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã phải trả mức lương cao hơn gấp nhiều lần mức lương tối thiểu vùng; do vậy, nếu tăng lương tối thiểu vùng thì tiền đóng BHXH, BHYT... lại tăng thêm. Bản chất ở đây là người lao động và doanh nghiệp cùng phải bỏ thêm tiền để đóng các khoản trên. Thực tế, lương có thể tăng, nhưng thu nhập của người lao động lại giảm sút”, ông Dương phân tích.

"Tăng lương sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm khả năng cạnh tranh. Đơn hàng có thể ít đi, về lâu dài sẽ khiến việc làm bị thu hẹp, chưa kể tới khả năng doanh nghiệp thua lỗ đóng cửa thì người lao động còn có thể mất việc."

Bà Nguyễn Thị Lan Hương
Chuyên gia lao động (Bộ LĐ,TB&XH)

Lấy ví dụ cụ thể từ Tổng công ty Dệt may Hưng Yên, nơi đang có 15.000 lao động, ông Dương làm phép tính: Nếu tăng lương tối thiểu ở mức 6,5%, tiền đóng BHXH cũng tăng theo thì mỗi tháng công ty phải mất thêm khoảng gần 100 nghìn đồng/lao động. Như vậy, một năm công ty phải chi thêm khoảng gần 15 tỷ đồng. Trong khi đó, về nguyên tắc, công ty chỉ được dành 60% nguồn thu để chi quỹ lương, nếu giờ lương tăng, tiền đóng BHXH cũng tăng, doanh nghiệp buộc phải tính toán, thêm khoản này, cắt khoản kia chứ không thể tăng thêm được. “Hiện nay, Tổng công ty Dệt may Hưng Yên có 14 doanh nghiệp thành viên, nhưng chỉ có 9 doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn 5 doanh nghiệp lỗ hoặc hoạt động cầm chừng. Cứ đà này, khó mà bám trụ được. Thực tế, nhiều doanh nghiệp may khác ở Hưng Yên cũng đã phải đóng cửa”, ông Dương chia sẻ.

Cũng theo ông Dương, bình quân tổng thu nhập của lao động tại các công ty may ở Hưng Yên là 7,8 triệu đồng/tháng, nếu giờ tăng lương tối thiểu vùng, tăng đóng BHXH, tổng thu nhập lao động sẽ thấp đi chỉ còn khoảng 7,6-7,7 triệu đồng/tháng. Khi tổng thu nhập giảm, người lao động cũng sẽ ý kiến. “Nếu việc tăng lương nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì tôi thấy chưa hợp lý. Bởi, lâu nay bậc lương của công nhân, viên chức mới ra trường vẫn là 2,34 - khoảng 3 triệu đồng ở vùng 1 (thành thị - PV). Với mức lương này rõ ràng công chức, viên chức bằng đại học ra trường còn thấp hơn cả lương phổ thông. Như vậy, nếu nói lương tối thiểu tăng để đáp ứng mức sống tối thiểu thì chưa hợp lý, không công bằng”, ông Dương viện dẫn.

Lo lương tăng một, giá cả tăng hai

Với mức tăng 6,5%, lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng từ 180-230 nghìn đồng/tháng. Cụ thể, với vùng I là 3.980.000 đồng (tăng 230 nghìn đồng); vùng II là 3.530.000 đồng (tăng 210 nghìn đồng); vùng III là 3.090.000 (tăng 190 nghìn đồng); vùng IV là 2.760.000 đồng (tăng 180 nghìn đồng). Thay vì cảm thấy vui mừng, chị Tạ Thị Thủy (27 tuổi) hiện đang làm công nhân may cho Công ty TNHH Eins Vina tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) lại tỏ ra lo lắng hơn trước thông tin lương tăng. “Mình ít quan tâm tới chuyện tăng lương, chỉ tới kỳ công ty trả lương mà thấy tổng thu nhập giảm so với tháng trước mới ý kiến. Vừa rồi, thấy báo chí nói sang năm lương sẽ tăng thêm 230 nghìn/tháng. Mức tăng thấp vậy chẳng đủ trả tiền điện, đấy là chưa kể, kinh nghiệm của mình thấy năm nào cũng vậy, lương tăng 1 thì giá cả khác tăng 2-3”, chị Thủy chia sẻ và tính toán: “Gần như năm nào tiền điện, tiền nhà, tiền nước đều tăng. Thậm chí, ra chợ mua mớ rau, vá cái săm xe trước đây chỉ 10 nghìn đồng, giờ người ta cũng đòi lên 15 nghìn đồng. Vậy nên, mức tăng ấy chẳng đủ bù lại mức giá cả tăng theo”.

Còn với chị Nguyễn Thị Toán, công nhân Công ty Giày da Hongfu (Thanh Hóa), việc lương tăng hơn 100 nghìn đồng cũng chẳng ăn thua gì so với mức tăng chi tiêu của gia đình chị. “Nghe nói, lương tăng nhưng tổng thu nhập sẽ giảm. Công ty sẽ lấy khoản nọ bù khoản kia, chứ như năm ngoái nói năm 2017 tăng lương tối thiểu thêm hơn 200 nghìn, mà tổng thu nhập của tôi có tăng đâu”, chị Toán nói.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN, với mức tăng lương chỉ đạt 6,5% phải tới năm 2020 may ra mức lương mới đạt được mức sống tối thiểu vùng. Tuy nhiên, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, lý giải: “Mức tăng lương lần này (năm 2018) đều được cân nhắc dựa trên bối cảnh kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động. Đồng thời, tính toán đến sự chi trả của các doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.