Thị trường

Lợi dụng thí điểm, hàng ngàn xe điện hoạt động chui

23/05/2018, 07:05

Hoạt động xe điện còn phát sinh tình trạng chèo kéo, tranh giành khách, gây ùn tắc giao thông...

14

Xe điện chở khách du lịch ở Cát Bà, Hải Phòng

Lộn xộn sau thí điểm

Xe điện chở khách du lịch hiện diện ngày càng nhiều tại các khu du lịch, nơi vui chơi, hoạt động trong khu vực riêng rẽ hoặc xen kẽ với giao thông công cộng. Dù số lượng trên toàn quốc có đến hàng nghìn chiếc, nhưng loại xe này vẫn chưa có cơ chế quản lý thống nhất.

Khu du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) xuất hiện những chiếc xe điện chở khách du lịch đầu tiên từ gần 10 năm trước (năm 2009). Đây cũng là nơi xuất hiện sớm nhất loại hình xe điện này.

Tuy nhiên, phải đến năm 2013, tỉnh Thanh Hóa mới ban hành quy định tổ chức và quản lý hoạt động thí điểm xe điện 4 bánh chở khách tại Sầm Sơn. Trong đó, chỉ giới hạn số lượng xe cho phép hoạt động thí điểm trong năm 2013 - 2014 là 335 chiếc, đồng thời phải đảm bảo các điều kiện đăng ký, đăng kiểm. Dù vậy, thông tin từ các ngành chức năng của địa phương cho biết, đến năm 2017, tại khu vực trên có tới 431 xe và không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không có chứng nhận kiểm định.

"Việc thí điểm giao địa phương quy định phạm vi, tổ chức hoạt động xe điện 4 bánh chở người là động thái tốt, để tạo nhận thức chung cho xã hội về loại hình vận tải này. Tuy vậy, cần quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng phương tiện để kiểm soát thí điểm được đúng hướng, bảo đảm an toàn”.

TS. Vũ Ngọc Khiêm
Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ GTVT

Nguyên nhân các phương tiện không được cấp chứng nhận kiểm định chủ yếu do có tình trạng kỹ thuật xe không phù hợp với tiêu chuẩn chung được quy định tại Thông tư 86 ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT như: Vận tốc tối đa lớn hơn mức cho phép, thiết kế xe không có phanh trước, hồ sơ kỹ thuật, giấy tờ của nhà sản xuất không hợp lệ. Ông Lâm Minh Phúc, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36-01S cho biết, theo quy định, các xe điện trong quá trình hoạt động phải được chứng nhận an toàn kiểm định, song đến nay chưa có phương tiện nào trong số hơn 400 xe trên có chứng nhận kiểm định.

Không chỉ vậy, theo đánh giá của Sở GTVT và Công an tỉnh Thanh Hóa, hoạt động xe điện tại Sầm Sơn còn phát sinh tình trạng chèo kéo, tranh giành khách, gây ùn tắc giao thông, phương tiện hoạt động không đúng phạm vi cho phép. Năm 2017, hoạt động vận tải bằng xe điện tại đây có lúc “nóng” do doanh nghiệp đầu tư thêm phương tiện nhưng không được chạy. Thế nhưng, đến tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định thí điểm mới, với việc năm 2018-2020 bổ sung thêm 50 xe/năm, từ năm 2019 tổ chức đấu thầu chỉ tiêu xe được bổ sung; các đơn vị có 431 xe không đăng ký, đăng kiểm hiện nay phải thay thế xe khác trước năm 2020.

Không riêng Sầm Sơn, theo Bộ GTVT, hiện có 16 địa phương được phép triển khai thí điểm xe điện chở khách du lịch tại khu vực hạn chế, với 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, 587 hộ kinh doanh với tổng số 2.345 xe (trong đó 2.302 xe chạy năng lượng điện và 43 xe chạy động cơ xăng). Theo yêu cầu thí điểm, các đơn vị vận tải phải đảm bảo các điều kiện chung như: Phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm, người lái có GPLX hạng B2 trở lên. Tuy vậy, Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện mới có 694 xe điện có chứng nhận đăng kiểm. Nhiều nhất là Hải Phòng, Đà Nẵng với hơn 100 xe. Như vậy, còn tới hơn 2/3, với hàng nghìn xe đang hoạt động chưa có chứng nhận kiểm định.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tình trạng xe điện chở khách du lịch ở một số địa phương hoạt động tùy tiện, vượt ngoài phạm vi được hoạt động hoặc tranh giành khách với nhau và với các loại phương tiện khác. Từ năm 2016 đến nay, xảy ra ít nhất hai vụ tai nạn liên quan đến xe điện, trong đó một vụ tại Thanh Hóa gây chết người ở một xã nông thôn.

Hàng ngàn phương tiện ngoài vòng pháp luật

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong khi hoạt động của xe điện 4 bánh chở người tại nhiều khu vực được phép thí điểm ở nhiều địa phương chưa đi vào nền nếp, còn phát sinh những điểm có xe hoạt động tự phát hoặc mục đích chở học sinh, hành khách. Đơn cử, năm 2017 - 2018, khu thắng cảnh chùa Hương (Hà Nội), đảo Cô Tô (Quảng Ninh), bản Lác (Hòa Bình), Đền Hùng (Phú Thọ)... dù không được thí điểm nhưng vẫn có xe điện chở khách. Hay tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), có dịch vụ xe điện 4 bánh chở chuyển khách từ nhà ga sân bay ra đến phạm vi ngoài nhà ga.

Cũng cần đề cập, ở nhiều khu nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí hiện đã phổ biến xe điện 4 bánh chở người, trực tiếp chở khách nhưng không chịu sự kiểm soát nào của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng kỹ thuật, an toàn khai thác, vận hành hay từ góc độ bảo vệ môi trường.

Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới của Cục Đăng kiểm VN cho biết, bất cập hiện nay là trong Luật GTĐB chưa có quy định về hoạt động của xe điện 4 bánh chở người. Hiện, xe điện 4 bánh chủ yếu được điều chỉnh bằng Thông tư 86 của Bộ GTVT, với các quy định cơ bản đối với xe chở người 4 bánh có gắn động cơ như: Phương tiện phải có đăng ký, đăng kiểm, người lái có GPLX từ hạng B2 và hoạt động trong phạm vi hạn chế do địa phương quy định. “Cùng là xe điện 4 bánh chở người nhưng không có quy định đối với xe hoạt động trong khu thể thao, giải trí, xe không phải đăng ký, đăng kiểm. Trường hợp phương tiện gây tai nạn, sự cố ảnh hưởng đến tính mạng con người cũng chỉ có thể xem xét từ góc độ tai nạn lao động”, ông Hệ nêu vấn đề và cho rằng, cần có quy định chung, quản lý thống nhất toàn quốc đối với loại hình hoạt động trên.

Từ góc độ an toàn và bảo vệ môi trường, TS. Vũ Ngọc Khiêm, Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ GTVT cho rằng, cần xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để ngăn nhập khẩu, sản xuất, khai thác xe điện chở người 4 bánh chất lượng thấp. Có thể nghiên cứu vấn đề quản lý đăng ký với xe điện chở người hoạt động trong phạm vi nội bộ (thể thao, sân golf...) để kiểm soát phương tiện, hạn chế ô nhiễm môi trường từ nguồn phát thải của xe điện.

Đề xuất không tăng thêm địa phương thí điểm

Theo Bộ GTVT, đến nay có 28 địa phương được Thủ tướng cho phép thí điểm tổ chức hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ năng lượng điện hoặc xăng (16 địa phương đã triển khai chính thức) chở khách du lịch trong khu vực hạn chế. Các địa phương có trách nhiệm định kỳ sơ kết 6 tháng/lần và hàng năm báo cáo Bộ GTVT kết quả thí điểm để báo cáo Thủ tướng.

Bộ GTVT sẽ đề nghị Thủ tướng cho phép từ sau ngày 30/6 không tăng thêm địa phương thí điểm, cho đến khi sửa đổi xong Luật GTĐB năm 2008. Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất bổ sung loại hình vận tải trên vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB năm 2008.

Liên quan đến các địa phương chưa được phép thí điểm, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giao Sở GTVT chủ trì quản lý, không để xảy ra các trường hợp xe điện 4 bánh hoạt động tự phát, dẫn đến không quản lý được và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.