Ảnh minh hoạ |
Sáng nay (29/5), Quốc hội nghe Báo cáo giải trình về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Trình bày nội dung này trước trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền trong Luật hiện hành, ngoài ra còn bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Theo đó, luật quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức mà nội dung thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của nhiều cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã nghỉ hưu; của cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác, bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc.
Theo đó, một cán bộ bị tố cáo có vi phạm trong thực thi công vụ trước khi nghỉ hưu, thì tố cáo đó sẽ được giải quyết bởi người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đó từng công tác.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thể hiện đa số ý kiến nhất trí việc bổ sung trong dự thảo Luật nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tố cáo đối các đối tượng này mà pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể.
Liên quan đến nội dung bảo vệ người tố cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng các quy định về việc này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.
Do đây là nội dung quan trọng, là một trong những vấn đề trọng tâm trong sửa đổi Luật lần này nên đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thêm để có quy định cụ thể, đầy đủ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật, đáp ứng được mục đích sửa đổi Luật Tố cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận