Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp chiều 8/8 |
Chiều 8/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau quá trình thảo luận và đóng góp ý kiến, Ủy ban TVQH quyết định chưa trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 mà giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để hoàn thiện dự án luật, tạo sự đồng thuận cao.
Tiếc nuối về tính nghiêm túc của kỳ thi ĐH trước đây
Nhấn mạnh giáo dục phổ thông là vấn đề người dân rất quan tâm và câu chuyện thi THPT Quốc gia vừa qua để lại nhiều dư âm phải giải quyết, xử lý, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tiếp xúc cử tri hiện có hai luồng ý kiến, một là tiếp tục tổ chức kỳ thi, hai là xét cấp chứng chỉ cho các em. Còn nếu thi và giao cho địa phương như vừa qua, sẽ lại xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp.
Nêu quan điểm cá nhân, ông Phúc cho rằng đây là luật liên quan đến nhiều đối tượng nên cần thận trọng, tiếp tục xin ý kiến chuyên gia, cử tri và nhân dân. Đặc biệt, cần có thêm thời gian trước khi quyết định. Đó cũng là sự lắng nghe, thận trọng của Quốc hội. Vì vậy, ông Phúc đề nghị có thể lùi sang Kỳ họp thứ 7 để giải quyết “điểm chốt” trong đạo luật này trước tình hình hiện nay.
Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến nhân dân Phát biểu sau cùng tại phiên thảo luận Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đứng lên xin tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự án luật. Theo Bộ trưởng Nhạ, Bộ có nguyện vọng tiếp tục lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi, riêng vấn đề thi dự kiến sẽ có những cuộc hội thảo lớn để tạo sự đồng thuận cao, đồng thời xin được lùi sang Kỳ họp thứ 7 để trình lại. Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đây là luật quan trọng lâu dài, cần lấy ý kiến trong toàn xã hội. Đơn cử như giáo dục phổ thông, các dịch vụ công thiết yếu thì Nhà nước phải đảm bảo, còn lại là xã hội hóa. Nhưng thực tế hiện nay các trường chất lượng cao thì đều là trường công. Do đó, cần xác định làm sao đảm bảo tính lâu dài và rất tích cực mới thấu đáo để trình ở Kỳ họp thứ 7. |
Là người có 15 năm giảng dạy và tham gia chấm thi ở trường đại học, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ủng hộ phương án kỳ thi “2 trong 1” với mục đích đỡ gây tốn kém, áp lực cho thí sinh và gia đình. Tuy vậy, bà Hải lưu ý khâu tổ chức là vấn đề cần phải bàn. “Cử tri nuối tiếc về tính nghiêm túc của kỳ thi đại học trước đây”, bà Hải chia sẻ và đồng tình với quan điểm cần thêm thời gian để lấy ý kiến cử tri về Luật Giáo dục sửa đổi.
Nhấn mạnh thi THPT là vấn đề liên quan đến toàn dân, tác động lớn đến xã hội, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị nên lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân vì còn ý kiến khác nhau. “Nên lấy ý kiến rộng rãi để có kết quả, khi quyết cũng hợp lòng dân và trên cơ sở khoa học là thuận hơn, nhân dân cũng sẽ đánh giá cao quyết sách của Quốc hội”, ông Chiến góp ý.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, từ dự án luật sửa đổi một số điều thành dự án luật sửa đổi toàn diện nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó tổng hợp, hoàn thiện trình Quốc hội. “Sau khi xảy ra tiêu cực thi cử vừa rồi, nhân dân rất quan tâm luật này, không thể không lấy ý kiến rộng rãi vì vấn đề này “đụng” tới từng nhà”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý thêm, đổi mới là cần thiết nhưng cần ổn định, đừng để tình trạng năm nào được năm đấy, năm nay tuyển sinh thế này, năm sau lại khác. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo tích cực chuẩn bị, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án luật.
Chẳng lẽ người nghèo không bao giờ được đặc xá?
Đó là câu hỏi được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đặt ra khi thảo luận, góp ý vào dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) tại phiên họp cùng ngày.
Liên quan đến các điều kiện để xét đặc xá, theo Ủy ban TVQH, Luật Đặc xá hiện hành quy định phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác nhưng chỉ áp dụng đối với người phạm tội về tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định. Tuy nhiên, Dự thảo luật lần này sửa theo hướng bắt buộc phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ khác đối với mọi loại tội phạm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, quy định như vậy mở rộng hơn so với Luật hiện hành, dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định, nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.
Vì thế, Ủy ban TVQH đề nghị chỉnh lý theo hướng “Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, mục đích đặc xá là tha tù chứ không phải xóa phần trách nhiệm dân sự. Do đó, khi người được đặc xá ra ngoài làm ăn và có điều kiện thì phải thực hiện nghĩa vụ “trả nợ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận